Doanh nghiệp thủy sản chìm trong màu buồn

Bức tranh sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong quý III/2023 đã phản ánh rõ nét những khó khăn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt.

Doanh nghiệp thủy sản chìm trong màu buồn - Ảnh 1

Kết thúc quý III/2023, loạt doanh nghiệp ngành thủy sản đã công bố kết quả kinh doanh với sự sự sụt giảm đáng kể, đúng như những gì đã được dự báo trước đó. Tuy nhiên, trong bức tranh chung xám màu của ngành thủy sản, vẫn có doanh nghiệp ngược dòng, báo lãi tăng trưởng.

Lãi “ngoi lên bờ"...

Là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương ở cả doanh thu và lợi nhuận trong quý III, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) lý giải là do mảng kinh doanh tôm của công ty thành viên Khang An hoạt động có lãi 7,76 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 20,70 tỷ đồng và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, quý III/2023, Sao Ta ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn biên độ tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 184 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. 

Doanh nghiệp thủy sản chìm trong màu buồn - Ảnh 2

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Sao Ta phát sinh hơn 141%, lên mức 31,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng của Sao Ta đạt 67 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 18 tỷ đồng; tiết giảm lần lượt 27% và 25% so với cùng kỳ.

Nhờ vậy nên sau thuế, Thực phẩm Sao Ta báo lãi 89 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 3 quý đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.934 tỷ đồng, giảm 15%. Lợi nhuận sau thuế của Sao Ta đạt 213 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 53% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

… hay “lặn sâu xuống đáy”

Cùng thuộc nhóm xuất khẩu tôm nhưng Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) lại ghi nhận kết quả kinh doanh trái ngược hoàn toàn so với đối thủ cùng ngành. 

Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 2.993 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 41% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lãi gộp công ty thu về giảm 59% xuống còn 321 tỷ đồng. 

Ở chiều ngược lại, Thủy sản Minh Phú rất tích cực tiết giảm các chi phí trong quý III/2023. Cụ thể, dù chi phí lãi vay tăng 63% lên 39 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính của công ty vẫn giảm 13%, xuống còn 76 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng đạt 204 tỷ đồng, giảm 35% so với quý III/2022.

Tuy vậy nhưng sau thuế, Thủy sản Minh Phú ghi nhận lỗ 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 332 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 7.465 tỷ đồng, giảm 46%. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôm" Minh Phú lỗ 109,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lợi nhuận 571 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp thủy sản chìm trong màu buồn - Ảnh 3

Tương tự, Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong (HoSE: AAM) vừa trải qua quý III/2023 với tình hình không mấy khả quan với sự sụt giảm mạnh ở doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, doanh thu thuần của công ty ghi nhận đạt 28,2 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, do kinh doanh dưới giá vốn nên quý này Thủy sản Mekong lỗ thuần 1,4 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ có lãi.

Khấu trừ các chi phí, công ty báo lỗ sau thuế 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 3 tỷ đồng. 

Sau 3 quý, Thủy sản Mekong đạt 99 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm mạnh chi phí hoạt động nên công ty thoát lỗ với khoản lợi nhuận vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng, “lao dốc” 92% so với cùng kỳ.

Tại Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico; HoSE: ANV), quý III/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.099 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù tiết giảm tối đa các chi phí nhưng Nam Việt cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát kéo dài, giá bán chưa được phục hồi nên kết quả, công ty báo lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi gần 120 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm 99%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.328,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 42,36 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,3% và 92% kết quả cùng kỳ năm ngoái. 

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) cũng ghi nhận chiều giảm sâu ở cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty ghi nhận đạt 1.749 tỷ đồng, giảm 11%. 

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của IDI “bốc hơi" tới 79% còn 23 tỷ đồng.

Tính chung sau 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty ghi nhận đạt 5.338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 67 tỷ đồng; giảm lần lượt 14% và 87% so với cùng kỳ năm trước. 

Dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng theo thông tin sơ bộ đã được công bố, doanh thu của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đạt 2.634 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 22% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 7.555 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ và mới thực hiện được 66% kế hoạch cả năm.

Ngành thủy sản khi nào phục hồi?

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong quý III, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD giảm 12% so với cùng kỳ, đây cũng là mức giảm ít nhất trong ba quý năm 2023.

Doanh nghiệp thủy sản chìm trong màu buồn - Ảnh 4

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,6 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD giảm 31%, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD giảm 26% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Theo dự báo của VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý IV có thể mang về 2,4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái khi thị trường phục hồi. Kết quả này sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.

Trong quý cuối năm, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản phần nhiều phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, các đơn hàng từ hai thị trường này đang tăng trở lại nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Phương Anh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục