Doanh nghiệp không chịu “lên sàn” sẽ bị nêu tên

(Kinhdoanhnet) – Có một thực tế hiện nay đó là việc các công ty đã thực hiện IPO rồi nhưng lại tìm ra đủ trăm ngàn thứ lý do để “trốn” lên sàn.

Trong buổi họp chuyên đề về tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các giải pháp đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết trong vòng 5 tháng đầu năm 2015 cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 43 doanh nghiệp. Tuy nhiên từ nay tới cuối năm, dự kiến sẽ còn phải thực hiện cổ phần hóa thêm 246 doanh nghiệp nữa.

Để có thể thực hiện thành công mục tiêu này, ông Quyết cho biết hiện cơ quan này đã đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa nhanh hơn nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang khó khăn, kinh tế mới trong giai đoạn phục hồi.

Đồng thời với quá trình cổ phần hóa, Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đang thúc các doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên sàn sau khi tiến hành IPO.

Doanh nghiệp không chịu “lên sàn” sẽ bị nêu tên
Doanh nghiệp không chịu “lên sàn” sẽ bị nêu tên.

Một thực tế hiện nay đó là việc các công ty đã thực hiện IPO rồi nhưng lại tìm ra đủ trăm ngàn thứ lý do để “trốn” lên sàn.

“Theo quy định hiện hành, các công ty phải niêm yết trong vòng 1 năm kể từ ngày IPO thành công, nhưng thiếu cơ chế, chế tài nên nhiều công ty không thực hiện điều này, một số công ty nói họ sẽ niêm yết trong 2 hoặc 3 năm tới”- ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital nhận xét.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tiến cho biết, đối với những doanh nghiệp còn chần chừ, không thực hiện kế hoạch niêm yết, không quyết tâm thì cơ quan quản lý sẽ kiên quyết thay thế lãnh đạo.

Hiện Bộ Tài chính cũng đã gửi công văn tới các bộ, ngành, UBND tỉnh yêu cầu hết tháng 6/2015 này phải có báo cáo giải thích về nguyên nhân vì sao doanh nghiệp sau 90 ngày cổ phần hóa mà không chịu lên sàn.

“Đầu quý III/2015, chúng tôi sẽ công bố đích danh doanh nghiệp nào không chịu niêm yết sau khi đã cổ phần” - ông Tiến khẳng định.

Trước đó vào tháng 11/2014, Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định 51/2014 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN.

Cụ thể, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, DN phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Đồng thời đối với các doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết sau khi đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong vòng tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết.

Ngọc Anh (TH theo ĐTCK; KTĐT; SGGP)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục