Doanh nghiệp huy động gần 2 tỷ USD vốn từ thị trường quốc tế

Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị huy động vốn từ thị trường quốc tế được được các doanh nghiệp công bố là gần 2 tỷ USD.

Vay nước ngoài gần 2 tỷ USD

Trước khó khăn từ thị trường trái phiếu trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt chọn cách huy động vốn từ thị trường quốc tế. Số liệu cập nhật của FiinGroup mới đây cho thấy, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị huy động được được các doanh nghiệp công bố là gần 2 tỷ USD.

10 giao dịch được công bố gần đây gồm Tập đoàn Masan (600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD), Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), Chứng khoán VNDirect (75 triệu USD), F88 (60 triệu USD), Vinfast (135 triệu USD), Tập đoàn Novaland (40 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD) và Be Group (100 triệu USD).

Novaland và nhiều doanh nghiệp vay gần 2 tỷ USD vốn quốc tế.
Novaland và nhiều doanh nghiệp vay gần 2 tỷ USD vốn quốc tế.

FiinGroup cho biết, mức lãi suất huy động vốn nợ này cao hơn trước đây do lãi suất tăng cao và có thêm chi phí bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Hiện tỷ giá hối đoái kỳ hạn 1 năm của VNĐ so với USD ở mức 4-5%, do đó chi phí vốn nợ thực tế (bao gồm lãi suất danh nghĩa, chi phí bảo hiểm tỷ giá, chi phí bảo lãnh và phí giao dịch) bằng ngoại tệ có thể dao động ở mức 13-17% tùy theo kỳ hạn.

Dù vậy, tổ chức này vẫn cho rằng đây là một diễn biến khá tích cực trong bối cảnh các kênh huy động vốn trong nước bị thắt chặt. Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp.

Gần 22.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sắp đáo hạn

Tính đến hết tháng 10/2022, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành ở mức 45.000 tỷ đồng, tức chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính.

Số liệu của FiinGroup cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 còn ở mức gần 22.000 tỷ đồng. Tuy số dư này không lớn nhưng nhà phát hành đa phần là các doanh nghiệp chưa niêm yết nên nhà đầu tư hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành.

Tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 còn ở mức gần 22.000 tỷ đồng.
Tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 còn ở mức gần 22.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023 và 2024, giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản là hơn 119.000 tỷ đồng và gần 112.000 tỷ đồng. Để giải tỏa bớt áp lực này, gần đây, các doanh nghiệp tăng cường tái cấu trúc nợ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Một số phương án phổ biến là gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới, chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới hoặc chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản. Mức lãi suất mới dao động ở mức 12-13%, cao hơn 4-5 điểm phần trăm so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn.

Dù các động thái tái cấu trúc nợ được đánh giá là tích cực nhưng FiinGroup vẫn lưu ý nhà đầu tư cần cẩn trọng với hình thức đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản. Theo đó, nhà đầu tư cần đánh giá kĩ về chất lượng tín dụng hay khả năng trả nợ của tổ chức phát hành, cũng như tính chắc chắn về yếu tố pháp lý của dự án.

Nguyễn Dương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục