Doanh nghiệp được cởi trói đến mức nào trong phát hành trái phiếu

Nghị định mới về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được cho là có nhiều điểm mới, góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Gỡ khó cho doanh nghiệp?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo đó, có nhiều nội dung mới đã được thay đổi so với các quy định trước đây (Nghị định số 65/2022/NĐ-CP  ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP).

Cụ thể, Nghị định số 08 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Ngoài nội dung quy định như cũ, Nghị định số 08 đã bổ sung quy định: “Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác”.

Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong việc phát hành trái phiếu dẫn tới khó khăn về dòng tiền để phát triển dự án, khiến dự án bị bỏ hoang nhiều năm.
Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong việc phát hành trái phiếu dẫn tới khó khăn về dòng tiền để phát triển dự án, khiến dự án bị bỏ hoang nhiều năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm: “Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư”. Điều này thay cho “doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành” trong quy định cũ. Mặt khác, Nghị định cũng quy định tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp…

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua giai đoạn tăng trưởng được xem là quá nóng trong những năm gần đây. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2020, thị trường có lượng phát hành trên 460.000 tỷ đồng và sang năm 2021 là gần 660.000 tỷ đồng. Trong đó, động lực tăng trưởng được ghi nhận nhiều từ nhu cầu vốn của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng tăng mạnh. Mặt khác là nhu cầu mua trái phiếu để tìm kiếm lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng của nhà đầu tư.

Nếu không có dòng tiền bổ sung cũng sẽ khó cho doanh nghiệp trong phát hành mới trái phiếu.
Nếu không có dòng tiền bổ sung cũng sẽ khó cho doanh nghiệp trong phát hành mới trái phiếu.

Tuy nhiên đến năm 2022, thị trường trái phiếu đã chững lại, đặc biệt là nhiều vụ việc vi phạm về trái phiếu của các doanh nghiệp lớn đã tác động tới thị trường. Tính từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường trái phiếu ghi nhận với số lượng phát hành ít ỏi của các doanh nghiệp. Đặc biệt trong đầu năm 2023, thị trường ghi nhận rất ít đợt phát hành thành công, với giá trị huy động hơn 100 tỷ đồng.

Trước bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản khi đến hạn thanh toán cả gốc, lãi cho các nhà đầu tư nên càng khó khăn hơn bao giờ hết. Vì vậy, Nghị định 08 được xem là một trong những công cụ hữu ích để tháo gỡ cho thị trường trái phiếu và khơi thông các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Đánh giá về những thay đổi này, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng là điểm cởi trói rất nhiều cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Ông Nguyễn Trí Cường, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Việt Âu cho rằng, việc quy định thêm thời gian và thanh toán bằng tài sản khác là rất mới. “Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng đến hạn thanh toán (cả gốc, lãi) nhưng chưa có điều kiện (như hàng loạt doanh nghiệp đang đối mặt hiện nay) có thể kéo dài thời hạn đến 2 năm là khoảng thời gian có thể giúp doanh nghiệp xoay sở tốt hơn, có thêm điều kiện để sản xuất, kinh doanh và thu xếp dòng tiền".

Tương tự, Ths Nguyễn Chí Thanh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Tôi cho rằng đây là quy định đã mở hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay. Điển hình như doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu dù “thời gian không quá 2 năm” nhưng cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu.

Cùng với nới lỏng về quy định liên quan đến trái phiếu, doanh nghiệp còn cần nhiều hơn.
Cùng với nới lỏng về quy định liên quan đến trái phiếu, doanh nghiệp còn cần nhiều hơn.

Hơn nữa, quy định cũng nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án đã phát hành trước đó thì có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc lãi bằng tài sản khác là rất có lợi cho doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có thể dùng các tài sản khác để thanh toán cho chủ sở hữu trái phiếu mà không bó buộc bằng đồng Việt Nam như trước đây”.

Nhìn nhận thực tế hơn, TS. Nguyễn Minh Hoàng, Chuyên gia kinh tế tại Tp.HCM cho rằng, Nghị định 08 đã cởi mở hơn so với Nghị định 65 ban hành hồi tháng 9/2022 - là phiên bản sửa đổi bổ sung Nghị định 153, ban hành cuối năm 2020. Mục đích của Nghị định 65 là siết lại thị trường sau giai đoạn tăng trưởng nóng, trong đó có nhiều bất ổn, từ đó, ràng buộc hơn về tư cách nhà đầu tư, mục đích phát hành của doanh nghiệp cũng như nguyên tắc sử dụng vốn trái phiếu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, muốn giải quyết được vấn đề hiện nay, ngoài là quy định của pháp luật thì cần thanh khoản tốt hơn cho thị trường trái phiếu, đặc biệt là niềm tin trên thị trường trái phiếu hiện đang rất thấp. Do đó, nếu không có dòng tiền bổ sung cũng sẽ khó cho doanh nghiệp trong phát hành mới trái phiếu. Tính toán nhiều giải pháp đồng bộ hơn để cho thị trường trái phiếu được khơi thông thật sự là giải pháp phải bàn sâu hơn.

Ông Cường cũng khuyến nghị: “Doanh nghiệp cần nhiều hơn so với Nghị định này, điển hình như Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo quyết liệt hơn đối với các ngân hàng thương mại để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hạ lãi suất cho vay, điều kiện vay… để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Có như vậy, doanh nghiệp mới khoẻ hơn để sản xuất, kinh doanh”. 

Thanh Tùng

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục