Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/9/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 7,26% so với cuối năm 2013. So với con số gần 7% mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 29/9) cho thấy tín dụng đang bắt đầu tăng tốc.
Còn nếu so với mức tăng 4,5% vào ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng đã nhích thêm 2,76% trong hơn một tháng và cao hơn mức 6,87% của 9 tháng cùng kỳ năm ngoái.
Con số này là một dấu hiệu rất tích cực, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng 12-14% trong cả năm 2014 theo như Ngân hàng Nhà nước đã đề ra từ đầu năm là hoàn toàn có thể đạt được.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng khá mạnh mẽ trong thời gian qua một phần được cho là nhờ nỗ lực giảm lãi suất của các ngân hàng.
Theo con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Lãi suất qua đêm bình quân chỉ ở mức 1,1%/năm; các kỳ hạn theo tuần chỉ từ 1,65 – 2,79%; kỳ hạn 1 tháng chỉ ở mức 2,74% ...
Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực giảm. Cụ thể, tính đến ngày 18/9, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,25% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,16% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
Mặc dù đã nỗ lực hết sức giảm lãi suất nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng tuy nhiên kết quả mang lại cho các ngân hàng vẫn chưa thực sự đạt được kỳ vọng như mong muốn. Bởi mặc dù đang trong tình cảnh quay quắt vì đói vốn nhưng có vẻ như các doanh nghiệp lại rất “ngại vay”. Nhất là đối với phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thật vậy theo kết quả Báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014, trong số hơn 7.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát thì có tới gần 3.900 doanh nghiệp không vay vốn.Trong đó có tới 74,8% không có nhu cầu vay vốn, hơn 24% do thủ tục quá phức tạp và mất nhiều thời gian; 20% do lãi suất quá cao…
Hệ thống ngân hàng hiện đang dồi dào thanh khoản tuy nhiên doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận với các khoản vay này bởi điều kiện vay vốn của các nhà băng này ngày càng chặt chẽ.
Doanh nghiệp “chết” nhiều vì đói vốn nhưng lại “ngại vay”.
Điều này cũng dễ hiểu bởi trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu đang ngày càng tăng cao thì bất cứ nhà băng nào cũng đều không muốn mạo hiểm với các khoản cho vay. Ngoài ra bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với khách hàng, cán bộ quản lý cũng như các cổ đông.
Chính điều này đã kìm hãm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh tuy nhiên vẫn đành phải huy động bằng nguồn khác, hoặc phải ngậm ngùi hoạt động cầm chừng trong phạm vi vốn hiện có.
Thêm một vấn đề nữa đó là về lãi suất, mặc dù đã cố gắng hạ lãi suất cho vay nhưng với doanh nghiệp thì mức lãi suất này vẫn còn khá cao, nếu vay với lãi suất hiện nay nhiều doanh nghiệp sẽ không dám vay.
Bà Hoàng Hương Giang, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Hải Vân (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện tại nhiều DN đang thoi thóp, co cụm, thu hẹp sản xuất, công việc cũng ít dần và không DN nào dám vay ngân hàng. DN chúng tôi đang muốn xây dựng một showroom để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Dù đang thiếu vốn và rất muốn vay nhưng không dám vay một đồng nào mà chỉ huy động thêm vốn của cổ đông, vì vay là chết”.
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp hiện đang tỏ ra khá thờ ở trong việc vay vốn, thậm chí khá nhiều doanh nghiệp còn cho biết, mặc dù có nhu cầu vốn nhưng lại không dám vay vì cũng không biết vay để làm gì?
Về phía các ngân hàng, một vị lãnh đạo nhà băng cũng lên tiếng giải thích, mặc dù ngân hàng rất muốn cho vay ra nhưng thời gian qua nhiều doanh nghiệp sử dụng đồng vốn vay quá dễ dãi, không theo đúng phương án từ đó dẫn đến mất cân đối dòng tiền, lâm vào khó khăn. Khi ngân hàng thẩm định thấy doanh nghiệp đầu tư lan man thì sợ không dám cho vay chứ thực tế ngân hàng cũng không quá cầu toàn. Doanh nghiệp chỉ cần đạt 60 – 70% điều kiện cho vay là ngân hàng đã sẵn sàng cho vay.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết doanh nghiệp hiện vẫn đang rất khốn khó, thậm chí có thể nói là ”lầm than”, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng số doanh nghiệp này lại không tiếp cận được nguồn vốn vay do nhiều yếu tố, khiến cho số lượng các doanh nghiệp đóng cửa ngày càng nhiều, bên cạnh đó, phần đông doanh nghiệp tuy không đến nỗi đóng cửa nhưng cũng chịu cảnh sống quay quắt vì đói vốn sản xuất kinh doanh.
Ngọc Anh (TH)