Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trở lại

Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến ngày 28/7/2023, có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản, tiếp đến là tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, từ thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực đầu tháng 3/2023, hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành. Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng với khối lượng 6 tháng là 5.900 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu, ví dụ như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land...

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt và công bố thông tin minh bạch, thường xuyên trên thị trường đã bắt đầu tiếp cận kênh phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận mọi đối tượng của nhà đầu tư.

Ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX cũng đã chính thức được khai trương, dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hệ thống đi vào hoạt động sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường, nâng tính công khai, minh bạch, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thông tin về thị trường thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Dương lưu ý nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường thứ cấp đó là nhà đầu tư phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải nắm bắt được các rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải là rủi ro của các tổ chức phân phối và nó cũng khác với tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư phải đánh giá được đầy đủ các rủi ro đó để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.

Để thị trường ngày càng vận hành tốt hơn trong thời gian tới, theo ông Dương, giải pháp quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Bởi có như vậy doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, qua đó sẽ có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng nhấn mạnh, việc ổn định thị trường bất động sản cũng là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản. Nếu như tháo gỡ được những khó khăn này thì sẽ có rất nhiều dự án bất động sản được hoàn thiện, đi vào hoạt động và doanh nghiệp nhanh chóng bán được sản phẩm ra thị trường, thu hồi dòng tiền đầu tư và sử dụng dòng tiền đó để tái cơ cấu lại nợ và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp”, ông Dương dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để giúp thị trường minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành cũng như của nhà đầu tư trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ và phát triển hệ thống nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, đôn đốc các doanh nghiệp có nợ trái phiếu đến hạn thực hiện bằng được nghĩa vụ đối với nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật và nguyên tắc là lợi ích thì hài hòa, rủi ro khó khăn thì chia sẻ với doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tích cực tuyên truyền tới các đối tượng tham gia thị trường để cho các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tình hình thị trường, khung khổ pháp lý và quyền, trách nhiệm của mình khi tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Huyền Châu

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục