Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ngân hàng có sự biến đổi trái chiều. Một số ngân hàng nhỏ vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với lợi nhuận trước thuế quý này giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ. Tuy nhiên, tính cả 6 tháng đầu năm 2022 vẫn ghi nhận tăng trưởng
Điển hình tại ngân hàng MSB, riêng quý 2/2022, hoạt động chính tăng 39% so với cùng kỳ, thu về gần 2.060 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận trái chiều như lãi từ dịch vụ kỳ này giảm tới 88%, chỉ mang về hơn 243 tỷ đồng, các hoạt động khác lỗ gần 391 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ lỗ 16 tỷ đồng, mua bán chứng khoán kinh doanh kỳ này lỗ hơn 1 tỷ.
Ngược lại, kinh doanh ngoại hối quý 2/2022 tăng tới 223% lên hơn 315 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư lãi gần 558 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lỗ 337 tỷ đồng.
Hoạt động sa sút này kéo lợi nhuận thuần Ngân hàng giảm 22% còn 1.726 tỷ đồng. Cộng thêm việc MSB mạnh tay bỏ ra hơn 115 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ 2021 hoàn nhận hơn 241 tỷ đồng. Do đó, lãi sau thuế tại MSB giảm 6% xuống còn gần 1.492 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB thu về gần 4.024 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 39% so cùng kỳ. Do MSB giảm đến 87% chi phí dự phòng rủi ro, chỉ còn trích gần 56 tỷ đồng, do đó lãi sau thuế đạt 2.641 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận quý 2/2022 giảm là Saigonbank.
Cụ thể, quý 2 này, thu nhập lãi thuần tăng tới 44% lên hơn 237 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi đều giảm so với cùng kỳ như kinh doanh ngoại hối giảm 17% còn 9 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm tới 60% thu về hơn 23,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi từ dịch vụ tăng 43% lên 12 tỷ đồng và các khoản chi phí hoạt động giảm 19% còn 105 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận thuần tăng tới 59% lên hơn 180 tỷ đồng.
Kỳ này, do Saigonbank chi gần 103 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tăng tới 192% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận ngân hàng này giảm 21% chỉ đạt gần 44 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022, ngân hàng Saigonbank vẫn báo lãi sau thuế tăng 29% lên hơn 141 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2022, Saigonbank đã thực hiện được 93% kế hoạch chỉ sau nửa đầu năm.
Còn trường hợp tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) lại khác. Nửa đầu năm 2022, ngân hàng báo lãi sau thuế hơn 283 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng quý 2/2022 lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 144,6 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước do chi phí hoạt động tăng cao so với mức tăng của tổng thu nhập.
Cụ thể, quý 2/2022, tổng thu nhập hoạt động tại ngân hàng này đạt gần 508 tỷ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng 8% lên hơn 261 tỷ đồng.
Tương tự như Viet Capital Bank, tại ngân hàng VietABank ghi nhận 6 tháng đầu năm 2022 lợi nhuận sau thuế tăng tới 52% lên gần 481 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng quý 2/2022 do chi phí hoạt động tăng tới 14% lên hơn 188 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động lại giảm 13% so với cùng kỳ, chỉ thu về hơn 453 tỷ đồng khiến lợi nhuận ngân hàng này giảm 26%, xuống còn 141,4 tỷ đồng dù dự phòng rủi ro đã giảm mạnh 60% chỉ còn gần 34 tỷ đồng.
Dự báo về lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng bức tranh lợi nhuận sẽ kém khả quan hơn do Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng. Bên cạnh đó, lãi suất có nguy cơ tăng cuối năm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
Ngoài ra, nửa cuối năm nay, phân khúc cho vay mua nhà dự báo sẽ tăng chậm lại do các ngân hàng cạn room. Đồng thời, các lĩnh vực như đầu tư công, hạ tầng, sản xuất, truyền tải điện… sẽ tăng mạnh hơn. Ngân hàng quốc doanh sẽ có lợi thế hơn khi tín dụng được nắn chảy sang các lĩnh vực này.
Như vậy, nhiều khả năng bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm nay tiếp tục phân hóa mạnh hơn, tùy theo room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cũng như dòng tín dụng được nắn và diễn biến lãi suất.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết