Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia buộc phải xem lại “vị trí”, “chỗ đứng” của mình. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu - Ảnh 1

Hạ dự báo tăng trưởng

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia buộc phải xem lại “vị trí”, “chỗ đứng” của mình. Có nhiều lý do khiến Việt Nam sẽ phải định vị lại nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu như cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức; Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài. Năm 2021 có thể coi là một năm bản lề của giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam nên việc định vị lại nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu là hết sức quan trọng.

PGS. TS Nguyễn Anh Thu (Viện trưởng VERP - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa.

Bên cạnh đó, sự mở rộng tiền tệ hay hạ lãi suất chủ yếu có vai trò giúp hạ gánh nặng nợ lãi của các khoản vay hiện tại, hơn là thúc đẩy các khoản vay mới để mở rộng sản xuất. Một khi khả năng kiểm soát đại dịch chưa chắc chắn, niềm tin chưa quay trở lại thì đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi lãi suất có thực sự giảm. Nhiều ngành dịch vụ được dự kiến chưa thể hồi phục trong năm 2021.

Báo cáo cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào: tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

“Nhìn chung, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống 1-1,5 điểm phần trăm so với trước đây trong khi cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được duy trì ổn định”, PGS.TS Phạm Thế Anh (Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay.

Vaccine và phát triển kinh tế

Báo cáo đưa ra 3 dự báo cho nền kinh tế Việt Nam. Trong kịch bản cơ sở (nhiều khả năng xảy ra nhất), dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối Q3/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5-5,1%.

Trong kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được giả định được kiểm soát nhanh hơn, ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối Quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4-6,1%.

Trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh được giả định chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới Quý 4/2021, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

TS Trần Toàn Thắng (Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần bổ sung, trao đổi, thảo luận thêm về ảnh hưởng của các gói kích thích hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt với kinh tế Việt Nam như thế nào cũng như phân tích thêm về những thay đổi nhanh chóng của logistics trong thời buổi dịch bệnh, nhất là làm thay đổi mặt bằng giá, thậm chí tạo ra mặt bằng giá mới cho các sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần chú trọng và chú ý cuối cùng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp - nhân tố quan trọng của nền kinh tế.

Ông Phạm Thế Anh cho rằng, trong ngắn hạn cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh Covid, phát triển vaccine trong nước và tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vaccine, ưu tiên đảm bảo nguồn cung và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 nhanh và hiệu quả cho đồng thời khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lẫn các nhóm hộ kinh doanh đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hạn chế và giãn cách xã hội ở khắp cả thành phố lớn và trung tâm kinh tế trọng điểm

Theo ông Phạm Thế Anh, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm, và đúng địa chỉ. Sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa/siêu nhỏ cũng như các Hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh đã được cơ bản khống chế.

Đối với đầu tư công, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh, đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Các dự án đầu tư không thiết yếu ở các địa phương cần được chấn chỉnh. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.

Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu.

Về dài hạn, Báo cáo Kinh tế thường niên năm 2021 khuyến nghị, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực, trong đó cần nhận diện và khắc phục các rào cản để nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 (WEF).

Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Xu hướng xanh hóa và số hóa được đẩy mạnh mở ra nhiều cơ hội mới, cách làm mới cho hầu hết các ngành. Với 2 ngành điện tử và thực phẩm, có thể nghiên cứu các cơ hội mới và cách làm mới như phát triển phân khúc sản phẩm sạch, organic; cách thức thương mại đối với sản phẩm (sử dụng các sàn thương mại...).

Bảo An

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục