Điều gì khiến “tam trụ” ngân hàng giảm huy động vốn

(Kinhdoanhnet) – Trong khi các ngân hàng TMCP trong hệ thống đang vẫn còn đang chạy đua lãi suất huy động vốn thì “tam trụ” ngành ngân hàng lại cùng giảm lãi suất huy động khiến tất cả đều bất ngờ.

“Tam trụ” ngành ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn

Mới chỉ trong giai đoạn tháng 7, tháng 8 hàng loạt các ngân hàng TMCP đều đưa ra biểu lãi suất điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Thậm chí, còn có những ngân hàng chỉ trong 1 tháng mà điều chỉnh tăng lãi suất huy động tới 4, 5 lần. Thế nhưng sang cuối tháng 9, 3 ông lớn ngành ngân hàng là BIDV, Vietcombank và Vietinbank lại đi ngược hoàn toàn với hệ thống khi điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn.

Đặc biệt, cả 3 ngân hàng đều điều chỉnh giảm lãi suất rất mạnh ở các kỳ hạn dưới 1 năm.

Cụ thể, tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm giảm từ khá mạnh từ 0,2 – 0,5%; kỳ hạn 1-2 tháng sau khi giảm hiện ở mức 4,3%; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3% xuống còn 4,8%; kỳ hạn 6 tháng giảm xuống còn 5,3%.

Tại Vietinbank, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm có mức giảm cũng khá mạnh, có những kỳ hạn giảm đến 0,7%. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng, 5-6 tháng và 6-9 tháng cùng điều chỉnh giảm 0,5% lần lượt còn 4,3%, 5% và 5,3%; kỳ hạn 2-3 tháng và 3-5 tháng giảm mạnh 0,7% xuống còn 4,3% và 4,8%; kỳ hạn 9-12 tháng giảm 0,3% xuống chỉ còn 5,5%.

Đối với BIDV, ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động mới từ ngày 26/9/2016 giảm ở hầu hết các kỳ hạn huy động nhưng đặc biệt giảm mạnh các kỳ hạn ngắn dưới 1 năm từ 0,5 - 0,7%. Trong khi các kỳ hạn dài trên 1 năm điều chỉnh giảm khoảng 0,1 - 0,2%.

 

Điều gì khiến “tam trụ” ngân hàng giảm huy động vốn - Ảnh 1

Trong khi các Ngân hàng TMCP khác đang chạy đua tăng lãi suất, thì “tam trụ” ngành ngân hàng lại giảm lãi suất huy động ngắn hạn. Ảnh minh hoạ.

Nếu xét về mặt bằng chung lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thì lãi suất của “tam trụ” ngành ngân hàng sau khi điều chỉnh giảm thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng TMCP khác trong hệ thống.

Ngoài BIDV, Vietcombank và Vietinbank điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn thì DongABank, MBBank và VIB cũng có điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động ở các gói kỳ hạn dưới 1 năm.

Điều này đi ngược hoàn toàn với xu thế những năm trước khi mà những tháng cuối năm chính là thời điểm nhu cầu vốn trong xã hội tăng mạnh và các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào để có nguồn tiền chuẩn bị cho vay đợt cuối năm.

Nguyên nhân do đâu

Việc các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn có thể sẽ là một giải pháp tích cực đối với thị trường tài chính, nhất là trong thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang muốn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế tốt hơn. Và rõ ràng với việc cả 3 ông lớn ngành ngân hàng giảm lãi suất huy động thì nhiều người cũng dự đoán trong thời gian tới có thể các ngân hàng cũng sẽ đồng loạt giảm lãi suất huy động vốn theo.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ các ngân hàng sử dụng lượng tiền huy động ra sao thì có thể phần nào hé lộ câu trả lời cho việc 3 ngân hàng đầu ngành điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngắn hạn, và việc giảm lãi suất huy động này khó có thể thành xu hướng chung của cả hệ thống trong thời gian tới.

Vậy tại sao “tam trụ” ngành ngân hàng lại giảm lãi suất huy động vốn ngắn hạn. Câu trả lời có thể bắt nguồn từ chính việc cả 3 ngân hàng này đang cho vay ngắn hạn quá nhiều.

Theo tính toán thì 3 cái tên ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV chính là 3 cái tên ngân hàng có tỷ lệ cho vay ngắn hạn cao nhất hệ thống tính tới hết ngày 30/6/2016. Cụ thể, tính tới hết quý 2/2016, tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ cho vay của Vietcombank lên tới 58%, trong khi ở Vietinbank cũng lên tới 55,4% và BIDV là 55,1%. Việc cho vay ngắn hạn quá nhiều này không phải là xấu mà lại có lợi cho ngân hàng. Lý do là vì các khoản cho vay ngắn hạn với thời gian thu hồi vốn nhanh, lãi suất cũng tương đối và sẽ hạn chế tối đa được phát sinh rủi ro lãi suất trong quá trình cho vay.

 

Điều gì khiến “tam trụ” ngân hàng giảm huy động vốn - Ảnh 2

Vietcombank, Vietinbank và BIDV là 3 cái tên ngân hàng có tỷ lệ cho vay lớn nhất hệ thống tính đến hết ngày 30/6/2016. Ảnh. Q. T.

Các khoản cho vay ngắn hạn là các khoản vay có kỳ hạn dưới 1 năm. Vì vậy xét tới giai đoạn giữa năm 2016, với tỷ lệ cho vay ngắn hạn quá nhiều như vậy thì có thể từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 các khoản cho vay ngắn hạn tại 3 ngân hàng này sẽ đến hạn thu hồi, và khi đó nếu không giải quyết được bài toán cho vay hợp lý thì khối lượng tiền nhàn rỗi của 3 ngân hàng đầu ngành sẽ là rất lớn. Vì vậy, buộc Vietcombank, BIDV, Vietinbank phải giảm huy động vốn ngắn hạn nếu không sẽ dẫn tới mất cân bằng giữa cho vay và huy động vốn.

Ngoài 3 cái tên ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank và BIDV điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì những cái tên như MBBank hay DongABank cũng đều là những cái tên sở hữu tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ cho vay khá cao, cụ thể ở MBBank cũng là 51,6%. Việc các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động ở mức kỳ hạn ngắn có thể xem như một động thái để chuẩn bị cho các khoản vay ngắn hạn sắp đến hạn thu hồi.

Còn đối với những ngân hàng như VPBank, Techcombank hay Eximbank, Sacombank… thì sẽ khó có chuyện các ngân hàng này giảm lãi suất huy động trong thời gian tới. Bởi trong hiện tại, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng này đang quá cao. Trong khi phần lớn tiền huy động lại từ những khoản tiết kiệm có kỳ hạn ngắn. Vì vậy nếu không tăng cường huy động vốn rất có thể các ngân hàng cho vay trung và dài hạn nhiều sẽ đối mặt với những rủi ro thanh khoản khi mà đem tiền huy động ngắn hạn đi cho vay trung và dài hạn.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục