Sức chiến đấu mạnh mẽ
Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018 thu hút nhiều tác phẩm chất lượng tham dự, trong số hơn 1.810 tác phẩm, có 1.671 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định của Hội đồng Giải (cao hơn so với năm 2016, tương đương 2017). Các tác phẩm dự giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2018 như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2018;...
Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải BCQG lần thứ XIII Mai Đức Lộc đánh giá các tác phẩm tại vòng chấm Sơ khảo.
Đặc biệt các vấn đề thời sự nóng bỏng trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cho thấy sức chiến đấu mạnh mẽ của báo chí như: Binh pháp chống “giặc nội xâm” (Tạp chí Người làm báo); Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền (Báo Quân đội nhân dân); Nườm nượp cảnh kẹp tiền đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng (Báo Lao động);... Vấn đề đào tạo, bổ nhiệm, xử lí cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ: Tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ và giải pháp chấn chỉnh (Báo Nhân Dân); Phát triển Đảng viên: Tre già măng chưa lớn (Đài Tiếng nói Việt Nam); Mất niềm tin là mất tất cả (HNB TP. Đà Nẵng); Chuyển biến từ phong trào “tự soi, tự sửa” (HNB TP. Cần Thơ); Cán bộ trẻ - Bài học từ sự ép chín (Đài Truyền hình Việt Nam); Đảng viên đi trước (HNB Hà Tĩnh);...
Cùng với đó, báo chí ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường như: Cảnh báo nguy cơ Việt Nam trở thành điểm đến của phế liệu; Mafia rác (Báo Nhân Dân); Thuốc độc ở chính trong ta (Báo Nông nghiệp Việt Nam), Tội ác dưới những tán rừng xanh;... Đấu tranh sai phạm trong quản lý đất đai: Đất quốc phòng sân bay: Ai bán? Ai mua? (HNB TP. HCM); Sập bẫy dự án, hàng nghìn ha đất vàng Kon Plong bị bỏ hoang (HNB Kom Tum); Quản lý đất đai xây dựng: Bó tay? Hay tiếp tay? (HNB Đồng Nai); Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Quy hoạch và hiện tại (HNB. TP HCM),... Hay vấn đề sai phạm trong giáo dục: Trường ma liên kết dạy ở Việt Nam (Báo Thanh Niên); Nạn tín dụng đen: “Tín dụng đen”: Nợ tiền - Trả máu,...
Ngoài các mảng đề tài quen thuộc như lịch sử, văn hóa, an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến được đề cập dưới góc nhìn mới, năm nay nhiều tác phẩm đã bám sát những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Qua đó cho thấy, báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần định hướng những chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như: Kích hoạt động lực kinh tế tư nhân; Thương hiệu Việt Nam (Báo Nhân Dân); Vấn đề sản xuất nông nghiệp sạch: Liên kết: Động lực cho nông nghiệp bứt phá (Đài Tiếng nói Việt Nam); Xây dựng nền nông nghiệp lương thiện (HNB Vĩnh Long);... Đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội: Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội (Báo Tiền phong); Nhà báo tham gia Mạng xã hội (Báo Nhà báo và Công luận),...
Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018 vẫn tiếp tục phát huy được những thế mạnh từ những năm trước, vừa có những trọng tâm, vừa có điểm mới. Những tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm thể hiện phẩm chất dấn thân của nhà báo, bản lĩnh chính trị, và trình độ nghiệp vụ vững vàng cùng năng lực sáng tạo, tạo được sức lan tỏa trong xã hội. Qua đó khẳng định, báo chí luôn ở trên tuyến đầu của những mặt trận nóng bỏng trong đời sống xã hội.
Tạo sức lan tỏa
Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018 tạo dấu ấn rõ nét về nghiệp vụ qua các tác phẩm nhiều kì (báo in) chiếm tỉ lệ ngày càng cao (thể loại phản ánh, phỏng vấn của báo in). Các tác phẩm được các cơ quan báo chí đầu tư công phu, bài bản. Báo điện tử được đầu tư hình thức thể hiện mới, hiện đại dưới dạng longform, megastory,... ngày càng được sử dụng nhiều.
Bên cạnh đó, chất lượng các tác phẩm báo chí của địa phương ngày càng được nâng lên. Năm nay, hơn 120 đơn vị cấp Hội tham dự, trong đó, năm thứ hai liên tiếp có 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm tham dự, cho thấy sức hút của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực thật sự của các cấp Hội nhà báo trong cả nước. Điển hình trong nhóm loại hình Phát thanh và Truyền hình, khoảng cách về chất lượng giữa báo chí Trung ương và địa phương ngày càng rút ngắn. Một số Đài PT&TH năm nay có những cách thể hiện mới trong nghiệp vụ khá thành công như: Tác phẩm “Dấu son người xứ nhãn” (Đài PT&TH Hưng Yên) đoạt giải A; “Bông mai trắng” và cuộc chiến với “quả cầu gai” (Đài PT&TH Hải Phòng); “Đảng viên đi trước” của Đài PT&TH Hà Tĩnh,... đây là thành công của mùa giải năm nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm đáng ghi nhận, vẫn còn những điều đáng tiếc. Năm nay, thể loại bình luận, các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng tham gia tương đối ít, thiếu dấu ấn, đặc biệt các bài chính luận. Không có xã luận, ít bình luận, một số bài chuyên luận chưa hay, tính chuyên luận chưa cao. Nhiều ý kiến tại Hội đồng chấm giải cho rằng, thể loại Ảnh báo chí vẫn còn ít, chưa phản ánh đúng đời sống báo chí trong năm qua. Đối với nhóm truyền hình, nhiều tác phẩm vẫn thể hiện theo lối mòn, đề tài lịch sử chưa tìm được cái mới, chưa có cách thể hiện mới. Báo điện tử vẫn tồn tại khoảng cách khá lớn giữa báo chí Trung ương và địa phương...
Theo Hội Nhà báo Việt Nam