Chênh lệch 40% gói thầu?
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đội ngũ y bác sỹ trên cả nước đã cống hiến, hy sinh hết mình để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần khôi phục nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều hạt sạn khi thời gian qua, bộ Công an và công an các tỉnh, thành liên tục điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo Sở, giám đốc bệnh viện, giám đốc doanh nghiệp... liên quan đến vi phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Trước thực trạng đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội - nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp giành Y tế nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế những mất mát đáng tiếc về nhân sự có trình độ. Đơn cử như ở bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất.
Theo đó, ngày 5/12/2022, ông Vương Trung Kiên – Giám đốc bệnh viện này ký Quyết định số 2137/QĐ-BVTT phê duyệt Gói thầu: Mua sắm thiết bị y tế nguồn ngân sách nhà nước năm 2022.
Gói thầu có giá dự toán 11.900.000.000 đồng. Sau đấu thầu, liên danh công ty CP liên hiệp đầu tư xây dựng nông thôn Việt Nam - công ty TNHH Vật tư khoa học Đông Dương và Công ty TNHH Việt Phan trúng thầu với giá 11.798.500.000 đồng.
Danh mục mua sắm gồm 8 sản phẩm được nhập khẩu nguyên chiếc. Qua nghiên cứu tìm hiểu, PV nhận thấy phần lớn thiết bị đều có giá cao hơn nhiều so với giá trị nhập khẩu. Điển hình, máy tán sỏi ngoài cơ thể (Model HD.ESWL-109; hãng Shenshen Hyde Medical Equipment) nhập khẩu từ Trung Quốc (đã bao gồm 10 % thuế) với giá trên 503 triệu đồng, trong khi giá trúng thầu lên tới hơn 1.9 tỷ đồng, tức gấp 4 lần.
Hay, máy theo dõi bệnh nhân 7 thông số (Model B125; Xuất xứ Mexico) có giá nhập khẩu chưa tới 80 triệu đồng nhưng được phê duyệt tại gói thầu lên tới 220 triệu đồng.
Tiếp đến là máy siêu âm tổng quát 4D, 3 đầu dò (Model: Arietta 65; Hãng Fujifilm Healthcare Corporation, Nhật Bản) có giá 1.780.000.000 đồng. Nhưng theo số liệu nhập khẩu, thiết bị này chỉ trên 770 triệu, thấp hơn giá gói thầu khoảng 1 tỷ đồng.
Rà soát toàn bộ danh mục trang thiết bị mua sắm của gói thầu đã nêu ở trên, số tiền chênh lệch giá trong gói thầu so với giá nhập khẩu khoảng 4,9 tỷ đồng.
Dẫu biết rằng, ngoài giá nhập khẩu và thuế, nhà thầu còn phải chịu thêm một số chi phí khác như: vận chuyển lắp đặt, kho bãi, nhân công…cùng lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, trước dấu hiệu đội giá lên tới hàng tỷ đồng thì thiết nghĩ, các cơ quan Trung ương, địa phương cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra. Việc làm này không những minh bạch thông tin trước dư luận mà còn tránh thiệt hại về uy tín lãnh đạo bệnh viện cũng như doanh nghiệp trúng thầu.
Để rộng đường dư luận, với mong muốn cung cấp những số liệu về giá nhập khẩu thiết bị y tế, giúp bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất kiện toàn hơn trong quy trình thẩm định giá gói thầu, PV đã liên hệ trao đổi thông tin với đơn vị này nhưng không nhận được phản hồi.
Gây thiệt hại từ 100 triệu đồng là vi phạm
Dưới góc nhìn pháp lý về sự việc trên, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt) cho hay, khi khấu trừ các chi phí mà giá thiết bị vẫn cao bất thường thì cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ. Nếu có căn cứ khẳng định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Nhằm năng cao hiệu quả công tác đấu thầu, luật sư Kiên cho rằng, điều cần làm là kiểm soát chặt việc xây dựng hồ sơ mời thầu. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải trình về các yếu tố cấu thành giá chào thầu.
Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa việc công khai thông tin để nhiều nhà thầu cùng tham gia, cạnh tranh. Đặc biệt, tránh việc thiết bị được chuyển “lòng vòng” qua nhiều đại lý để nâng khống hoá đơn thì nhà thầu phải tìm mua đúng của nhà phân phối chính thức ban đầu, không qua trung gian.
Mới đây, Chính phủ ban ban hành Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP nhằm tháo gỡ thêm nhiều nút thắt trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế nhưng việc phòng, chống lợi ích nhóm trong đấu thầu mua sắm vẫn đáng lưu ý.
Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tại Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/2/2023 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ:“Phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm”.