Dấu hiệu “đội giá “ tiền tỷ từ công tác mua sắm tại bệnh viện Y dược cổ truyền Kiên Giang

Ông Trần Minh Quân - Giám đốc bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang phê duyệt gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế có dấu hiệu “đội giá” hàng tỷ đồng so với thị trường và bệnh viện khác. Theo luật sư, việc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên có thể đối diện mức án lên tới 20 năm tù.

Dấu hiệu “đội giá”

Theo quy định tại khoản 12, Điều 4, luật Đấu thầu 2013, đấu thầu được xác định là một quá trình lựa chọn nhà thầu để tiến hành việc ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp một trong các dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa…dựa trên cơ sở bảo đảm sự cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế. 

Tuy nhiên, theo nghiên cứu tìm hiểu thực tế của PV, giá thiết bị trong các gói thầu mua sắm thường cao hơn rất nhiều giá thị trường. Do đó, không đảm bảo về hiệu quả kinh tế dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước. Đơn cử như việc mua sắm thiết bị tại bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang.

Ông Trần Minh Quân - Giám đốc bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.  
Ông Trần Minh Quân Giám đốc bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.  

Theo Quyết định số 177/QĐ-BV ngày 30/5/2022, ông Trần Minh Quân - Giám đốc bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 03 Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2021 thuộc dự toán: Mua sắm thiết bị y tế năm 2021 tại bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang. 

Đơn vị trúng thầu là Liên danh công ty TNHH thiết bị y tế Thiên Nam và công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật y khoa Nam Việt Long. Gói thầu có giá dự toán 8.458.800.000 đồng, giá trúng thầu 8.272.500.000 đồng. Sau đấu thầu, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước số tiền 186.000.000 đồng (đạt tỉ lệ 2,19%). 

Đây là gói thầu tổ chức đấu thầu rộng rãi, các thông tin được công khai minh bạch theo luật Đấu thầu năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu, cũng như đối chiếu ký mã hiệu, xuất xứ, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành một số mã hàng cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Nhiều sản phẩm trong gói thầu tại bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu “đội giá”.
Nhiều sản phẩm trong gói thầu tại bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu “đội giá”.

Cụ thể, hệ thống buồng oxy cao áp Barox Solo (xuất xứ Yaklaşım Makina Sanayi Ve Ticaret Limited, Thổ Nhĩ Kỳ) có đơn giá tại gói thầu là 3.688.000.000 đồng/hệ. Nhưng theo PV khảo sát từ một công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế thì hệ thống này được bán với giá 2.190.000.000 đồng/hệ, chênh lệch tới 1.498.000.000 đồng.

Máy siêu âm Doppler màu 3D và 4D Arietta 65 (xuất xứ Hitachi Healthcare Manufacturing Corporation, Nhật Bản) có đơn giá tại gói thầu là 1.735.000.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, PV tìm hiểu thiết bị này được chào giá 1.200.000.000 đồng/chiếc. Số tiền chênh lệch 1 máy siêu âm trên là 535.000.000 đồng.

Hay sản phẩm máy đo điện giải đồ (kí hiệu 9180 Electrolyte Analyzer; xuất xứ: Roche Diagnostics International Ltd,, Thụy Sỹ) được Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang mua với giá 220.000.000 đồng/chiếc. Tại trang web medikabazaar.com sản phẩm này được niêm yết giá 236.000 rupee (tỷ giá đồng rupee thời điểm phóng viên khảo giá là: 1 rupee = 298 VNĐ, 236.000 rupee tương đương 70.354.904 VNĐ), chênh lệch 149.645.096 đồng.

Phóng viên vẫn chưa tiến hành nghiên cứu hết toàn bộ hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ 3 mã hàng trên đã có dấu hiệu “đội giá” cao hơn giá thị trường khoảng 2.182.645.096 đồng.

Giá thiết bị y tế cao hay thấp nhiều khi còn phụ thuộc vào thời điểm, linh phụ kiện đi kèm, thời gian bảo hành, bảo trì, chế độ đào tạo, truyền thông...Thế nhưng, chênh lệch lên tới hơn 2 tỷ đồng là một con số thực sự đáng suy ngẫm.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ trao đổi thông tin với bệnh viện Y dược cổ truyền Kiên Giang nhưng không nhận được phản hồi.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng địa phương và Trung ương cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ việc mua sắm thiết bị trên và công bố, công khai giá gốc nhập khẩu thiết bị (theo Nghị định 98/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/1/2022). Việc làm này không những minh bạch được thông tin mà còn xóa được điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tham gia định giá gói thầu.

Chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, sẽ không có chuyện nâng khống giá thiết bị để trục lợi ngân sách Nhà nước như dư luận suy đoán trong gói thầu số 03: Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2021 thuộc dự toán: Mua sắm thiết bị y tế năm 2021 tại bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang. 

Gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên bị xử lý ra sao?

Đánh giá về vụ việc trên, luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc đảm bảo về tính hiệu quả kinh tế là cơ sở quan trọng trong công tác đấu thầu, đảm bảo chống thất thoát, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Điều này đã được quy định tại khoản 12, Điều 4, luật Đấu thầu 2013.

Việc tính giá thầu được xác định trên quy trình chặt chẽ, rõ ràng và có đơn vị kiểm toán, thẩm định giá tài sản. Do đó, trường hợp nếu xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá. Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…

Luật sư Phạm Hồng Kiên.
Luật sư Phạm Hồng Kiên.

Nếu có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế, trong trường hợp này cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Theo Điều 222, trường hợp bị xử lý hình sự nặng nhất lên tới 20 năm tù nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên. 

Luật sư Kiên nêu ý kiến, thời gian qua rất nhiều vụ án đội giá thiết bị y tế bị phát hiện và xử lý. Việc đội giá trong mua sắm thiết bị y tế gây ra thiệt hại kép cho ngân sách Nhà nước và làm tăng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Do đó, công tác phát hiện, ngăn chặn kịp thời sai phạm trong đấu thầu là rất quan trọng.

Liên quan đến vấn đề phát hiện sai phạm trong công tác đấu thầu, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, công tác phát hiện, đấu tranh với hành vi vi phạm này còn nhiều khó khăn, phức tạp. 

Cụ thể, việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý các vi phạm với nhóm tội phạm về chức vụ chưa kịp thời, còn có những khó khăn, bị cản trở vì các mối quan hệ, vị trí công tác của người vi phạm. Các đối tượng vi phạm đa phần có chức vụ, có hiểu biết và nhiều mối quan hệ nên luôn tìm cách che giấu hành vi và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý.

Đặng Thủy – Thuận Nguyễn

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục