Chênh lệch giá hơn 2 tỷ đồng?
Hiện tại, nhu cầu đấu thầu mua sắm, xây lắp, sửa chữa các công trình, trang thiết bị tại nhiều đơn vị sử dụng nguồn ngân sách nhà nước ngày càng gia tăng. Do đó, pháp luật đã quy định cần 1 đơn vị đứng ra thẩm định giá trị gói thầu, qua đó, tránh việc “thổi giá” giá trị thực của sản phẩm/danh mục đấu thầu.
Cụ thể, các nội dung liên quan được quy định rõ tại Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Từ đó, các thiết bị, đầu danh mục trong dự toán sẽ được kiểm tra giá tiền, số lượng, chủng loại có phù hợp với giá cả thị trường ở thời điểm thẩm định giá hay không?
Ngoài ra, cơ quan thẩm định cần đánh giá mức độ tăng, giảm của các khoản mục chi phí, phân tích nguyên nhân tăng, giảm so với giá trị dự toán của gói thầu đó. Quy định pháp luật đã hướng dẫn rất rõ ràng, tuy nhiên, việc áp dụng quy định tại một số địa phương còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều gói thầu có dấu hiệu “đội giá” cao bất thường, gây lãng phí nguồn ngân sách.
Đơn cử, tại gói thầu Cung cấp đồng hồ nước DN15 cấp C loại thể tích đợt 1 năm 2022 do công ty Cổ phần cấp nước Thủ Đức làm chủ đầu tư.
Theo Quyết định số 893/QĐ-CNTĐ-KT, ngày 18/5/2022, ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc công ty Cổ phần cấp nước Thủ Đức phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH P.T.P. Gói thầu có giá dự toán bằng giá trúng thầu 19.033.056.000 đồng (Bằng chữ: Mười chín tỷ, không trăm ba mươi ba triệu, không trăm năm mươi sáu nghìn đồng), tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu là 0%.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành của hàng hóa được mua sắm trong gói thầu cao hơn so với giá thị trường.
Cụ thể, đồng hồ nước DN15mm cấp C loại thể tích (xuất xứ Malaysia) có giá trong gói thầu là 629.400 đồng/cái. Theo thông tin từ một đơn vị cung cấp, phân phối thiết bị, hiện tại, sản phẩm nói trên có giá 534.600 đồng/cái (mức giá đã bao gồm VAT, chi phí kiểm định).
Như vậy, số tiền chênh lệch của mỗi sản phẩm đồng hồ nước nói trên cao hơn thị trường là 94.800 đồng/cái. Mức chênh lệch ở từng sản phẩm có thể không quá lớn, tuy nhiên, với số lượng mua sắm 28.000 chiếc, số tiền chênh lệch với thị trường ở gói thầu này lên tới 2.654.400.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, sáu trăm năm mươi tư triệu, bốn trăm nghìn đồng).
Để làm rõ dấu hiệu trên và có thông tin khách quan, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với công ty Cổ phần cấp nước Thủ Đức. Theo văn bản trả lời nội dung phỏng vấn, đơn vị này khẳng định đã thực hiện hoạt động đấu thầu theo đúng các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, với những nội dung đặt ra về các dấu hiệu sản phẩm mỗi chiếc đồng hồ nước có giá cao hơn thị trường gần 100.000 đồng dẫn tới tổng giá trị gói thầu “đội” hơn 2 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0%,…công ty Cổ phần cấp nước Thủ Đức không hề nhắc tới.
“Các thông tin về gói thầu đã được Công ty đăng tải công khai, minh bạch trên trang thông tin điện tử về đấu thầu Quốc gia theo quy định tại Điều 8 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013”, trích Văn bản số 1779/CNTĐ-KHVT của công ty Cổ phần cấp nước Thủ Đức gửi Tạp chí Đời sống và Pháp luật.
Có 2 dấu hiệu bất thường
Nhận định về thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Công Tín (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) phân tích, để nâng cao khả năng cạnh tranh, thể hiện mục đích tiết kiệm cho ngân sách nhà thầu thường đặt giá ở mức thấp hơn giá ghi trong hồ sơ mời thầu của Chủ đầu tư.
Tuy nhiên, vị luật sư nhận định, trong vụ việc này, có hai dấu hiệu bất thường: Một là, giá hàng hóa trong hồ sơ mời thầu cao hơn so với giá thị trường; Hai là, nhà thầu trúng đấu thầu với giá đúng với giá trong hồ sơ mời thầu, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu là 0%.
“Ở vấn đề thứ nhất, giá hàng hoá trong hồ sơ mời thầu bị đội giá, cao hơn so với giá thị trường. Trường hợp này rõ ràng là có gây thiệt hại cho Nhà nước, cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan, đặc biệt là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu. Nhẹ thì bị kỷ luật, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các tội phạm khác về chức vụ.
Vấn đề thứ hai, giá trúng thầu bằng đúng với giá ghi trong hồ sơ mời thầu. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nhưng nó làm mất đi ý nghĩa của hoạt động đấu thầu là tiết kiệm ngân sách nhà nước. Nếu xảy ra tiêu cực trong vấn đề này thì thường là hành vi thông đồng giữa người có thẩm quyền (người biết rõ giá đặt thầu của các nhà thầu khác) và nhà thầu trúng thầu, thường thủ đoạn sẽ là đợi đến khi gần hết thời điểm đóng thầu, người có thẩm quyền sẽ thông tin đến nhà thầu để nộp hồ sơ, đặt giá sát với giá mời thầu hoặc bằng với giá mời thầu. Đây là hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu và có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Luật sư Nguyễn Công Tín nêu quan điểm
Ngoài ra, Luật sư Tín cũng nhận xét, hoạt động thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là vô cùng quan trọng và bắt buộc trong hoạt động đấu thầu. Trong đó, việc thẩm định về giá sẽ được giao cho các đơn vị có chuyên môn thực hiện.
Cụ thể, công tác thẩm định về giá thông thường phải thực hiện thông qua các bước sau: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá; Lập kế hoạch thẩm định giá; Khảo sát thực tế, thu thập thông tin; Phân tích thông tin; Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá; Lập báo cáo kết quả thẩm định giá.
Các nguồn thông tin thu thập, phục vụ cho quá trình thẩm định giá bao gồm: thông tin từ kết quả khảo sát thực tế; thông tin từ các giao dịch mua bán tài sản trên thị trường (ví dụ: giá thực mua bán, giá chào bán, giá chào mua, điều kiện mua bán, khối lượng giao dịch, thời gian giao dịch, địa điểm giao dịch); thông tin trên các phương tiện truyền thông của địa phương, trung ương và của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; thông tin trên các văn bản thể hiện tính pháp lý về quyền của chủ sở hữu, về các đặc tính kinh tế - kỹ thuật của tài sản…
“Quy trình thẩm định giá, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Để xảy ra trường hợp giá trong hồ sơ mời thầu bị đội giá, cao hơn so với giá thị trường thì rõ ràng đơn vị thẩm định đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước thì phải quy kết trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có vi phạm”, Luật sư Tín nhấn mạnh.