Thu hồi đất rồi…bỏ hoang
Trong những năm qua, việc hình thành các khu công nghiệp trên cả nước đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng thực trạng các tỉnh, thành “đua nhau” xây dựng các khu công nghiệp để rồi sau đó lại để bỏ hoang, không chỉ gây lãng phí cực lớn mà đằng sau các dự án này còn là số phận của rất nhiều người dân đang trong tình trạng mất đất, mất vườn mất kế sinh nhai...
Thời điểm hiện nay một tấc đất quý như vàng vậy mà tại nhiều địa phương đang xuất hiện tình trạng những khu công nghiệp sau khi thu hồi đất của người dân thực hiện dự án nhưng chậm triển khai hoặc đã hoàn thành nhưng không có nhà đầu tư thuê, đang rơi vào cảnh “vườn không, nhà trống”.
Tại TPHCM, dù được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Thế nhưng, hiện nay một số KCN sau khi xây dựng vẫn thu hút được rất ít các nhà đầu tư.
Điển hình là tại các KCN Đông Nam, Tân Phú Trung, dù hệ thống cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng số lượng nhà đầu tới thuê lại rất ít. Thậm chí tại đây, nhiều diện tích đất còn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nên hàng ngày người dân chạy xe vào cắt cỏ về cho bò ăn hoặc tranh thủ dắt bò ra thả tại những diện tích đất còn trống.
KCN Tân Phú đã hoàn thành hạ tầng từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn còn bỏ hoang.
Dự án khu công nghiệp Cơ khí ô tô TPHCM khiến cho không ít người dân bức xúc bởi khi thu hồi đất thực hiện dự án, chính quyền địa phương hứa sẽ ưu tiên cho người dân sở tại làm việc khi dự án hoàn thành, nhưng hơn 5 năm qua, đất canh tác của người dân đã bị thu hồi còn dự án thì biệt vô âm tín, một số con em phải đi làm công nhân, làm thuê ở xứ khác.
Một nông dân tại đây bức xúc nói: “Hồi xưa với 1 ha đất nếu gặp thời tiết thuận lợi làm 2 vụ lúa và 1 vụ màu, cả hai vợ chồng và 8 đứa con có lúa ăn quanh năm không hết, nông dân nhờ ruộng mà sống. Nhưng kể từ ngày nhà nước thu hồi đất thực hiện quy hoạch dự án, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, lúa làm ra không đủ ăn do đất bị thu hẹp thế mà đất thu hồi đã nhiều năm nay lại bỏ hoang, uổng quá!”
Tại khu công nghiệp Rạch Bắp thuộc xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng không khá hơn khi tại đây mặc dù đã đền bù giải tỏa xong, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường hoàn chỉnh, khang trang tuy nhiên đến nay mới chỉ có 6 nhà xưởng hoạt động nằm rải rác, đa số diện tích đất còn trống được dùng trồng sắn với những lùm cây cao hơn đầu người.
KCN Rạch Bắp - An Điền thuộc xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương sau nhiều năm hình thành nhưng chỉ có 6 doanh nghiệp vào đầu tư.
Tương tự, KCN Lai Vu (H.Kim Thành, Hải Dương) mặc dù có vị trí đẹp nằm sát QL5 và đã trải qua rất nhiều lần đổi chủ nhưng hiện nay dự án này mới chỉ thu hút được vài dự án, hầu như đất vẫn để bỏ hoang. Trong khi đó, tại đây đã từng một thời nổi tiếng vì những đơn thư khiếu nại của người dân, đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Ông Tăng Tiến Vinh, xã Lai Vu, Hải Dương cho biết: “Tôi mất đất, giờ nhiều tuổi, không công ăn việc làm, đi làm thuê nay chỗ này, mai chỗ khác. Vợ tôi thì phải đi làm giúp việc”.
Chịu mất đất, mất nơi làm ăn vậy mà giờ đây những vùng đất đó lại đang để hoang với những nhà xưởng trơ dàn kết cấu thép đã hoen gỉ vì nắng mưa, những người nông dân nơi đây không khỏi xót lòng.
Dân xin thuê lại đất để… trồng lúa
Đây là tình cảnh của nhiều người dân có đất bị thu hồi trong phạm vi quy hoạch xây dựng KCN Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, Kiên Giang), nơi đây trước kia là một vùng đất trồng lúa với năng suất đạt từ 8-10 tấn/ha. KCN này được UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Công ty TNHH xây dựng Quydeco đầu tư xây dựng dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2012. Tuy nhiên hiện nay dự án này vẫn chỉ là... một cánh đồng đầy cỏ hoang.
Nhiều người dân ở ấp Hòa Lộc khi nói về tình trạng đất lúa bị thu hồi rồi để trống tại khu công nghiệp tỏ ra tiếc rẻ. “Chú coi, hơn 50 ha đất thu hồi, bồi thường rồi bỏ trống như vậy hơn hai vụ lúa rồi, có tiếc đứt ruột không!” - bà Nguyễn Thị Sương ở ấp Hòa Lộc, nói.
Một số người dân có đất bị thu hồi mặc dù đã nhận bồi thường nhưng họ xin được tiếp tục sạ lúa trong thời gian chờ xây dựng khu công nghiệp tuy nhiên các cơ quan chức năng không đồng ý chuyện này.
Trong khi đó, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang lại cho một số hộ dân từ nơi khác đến thuê một phần diện tích đã thu hồi để... trồng lúa. Điều này không khỏi khiến người dân tại đây bức xúc.
Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa lớn nhất nước với khoảng 1,8 triệu hecta, cung cấp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm. Thế nhưng những năm gần đây diện tích đất trồng lúa cứ mất dần. Do các tỉnh đua nhau thành lập khu công nghiệp, nhưng nhiều khu làm xong không có ai vào đầu tư nên phải bỏ hoang. Nông dân thấy vậy đã xin thuê lại để trồng lúa, trồng màu.
KCN Sông Hậu ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã đền bù, giải tỏa từ năm 2007. Tuy nhiên hiện KCN này chỉ mới được san lấp mặt bằng một phần, phần đất còn lại cỏ mọc um tùm.
Nông dân ở đây chờ hoài không thấy xây dựng nhà máy nên đã trở lại và “trưng dụng” hàng chục hecta đất để trồng lúa, hoa màu. Dù vậy hiện nơi này vẫn còn đất hoang khá nhiều.
Ông Hà Văn Tuấn (xã Phú Tân) cho biết bản thân ông cũng muốn vào làm nhưng vì cỏ mọc cao tới đầu người, khai phá rất tốn kém nên ông không vô. “Trong KCN này muốn bao nhiêu đất trồng lúa cũng có, chỉ sợ không có tiền khai phá thôi” - ông Tuấn nói thêm.
Hay như tại KCN An Hiệp, dù đã được đầu tư khá hoàn chỉnh về hạ tầng, nhưng sau hơn năm năm triển khai vẫn còn 2/3 diện tích đất bỏ hoang nên người dân ở đây xin thuê đất đó để... sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phước, đã thuê lại đất trong KCN An Hiệp để mở trang trại, cho biết đã thuê đất trồng khoai lang, ớt, củ cải, dưa hấu, lúa trong khu công nghiệp này từ hai năm trước. Lý do, theo ông Phước, đất tốt mà bỏ hoang thì phí quá!
Xót ruột vì đất bỏ hoang trong khi dân thất nghiệp, một số người dân ở quanh các khu công nghiệp cũng có ý định thuê chính đất của mình để sản xuất. Ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Chấn Hưng, H.Bình Xuyên) cho biết gia đình có hơn 1 sào đất bị thu hồi làm KCN Vĩnh Phúc. Nhưng hiện tại ở đây vẫn chỉ là bãi đất hoang nên ông muốn thuê lại chính phần đất này để mở xưởng thu mua đồng nát.
Theo báo cáo của các Sở Công Thương tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã được phê duyệt 288 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 42.559 ha, nhưng hiện mới có 14.632 ha hoàn thiện hạ tầng được doanh nghiệp thuê, còn lại 27.927 ha (65,6% tổng diện tích) bị bỏ hoang.
Còn tại tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu du lịch phần lớn sử dụng đất chưa đến 50% diện tích đất được thuê và còn tồn tại khá nhiều sai phạm.
Việc quản lý tài nguyên từ khoáng sản, đến rừng, đến nước hay đất đai nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc các nguồn tài nguyên này cạn kiệt. Thế nhưng thay vì bảo vệ các nguồn tài nguyên này để phát triển kinh tế bền vững thì hiện nay, trong khi các khu công nghiệp cũ bị bỏ hoang, lại có không ít các dự án khu công nghiệp mới tiếp tục được triển khai.
T.T(Tổng hợp)