Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương
Từ đầu tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên, chỉ sau hơn một tháng, dịch đã được phát hiện tại 202 hộ, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) việc giải trình tự gien của vi rút dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam đã cho ra kết quả giống 100% chủng vi rút tại Trung Quốc.
Đáng lưu ý, nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch ở Trung Quốc đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Bên cạnh đó, hiện nay, thời tiết tại các tỉnh phía Bắc biến đổi bất lợi, rét và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phân tích: Tại nước ta, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong khu dân cư nên khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến.
Hoạt động thương mại, giết mổ lợn trong nước tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh.
Trước dịch bệnh nguy hiểm, để không chế dịch lây lan, Bộ NN&PTNT đã thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành để phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện phòng, ngăn chặn dịch bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn.