Đằng sau sự trồi - sụt bất thường trên báo cáo kiểm toán DIC Corp

(VNF) - Hậu kiểm toán, DIC Corp bị thổi bay hàng trăm tỷ doanh thu và chỉ có thể giữ lại khoản lợi nhuận sau thuế ít ỏi nhờ hoàn nhập chi phí thuế thu nhập hoãn lại. Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp này ghi nhận chênh lệch giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo tài chính soát xét.

DIC Corp hậu kiểm toán: Đầy thì ít, vơi thì nhiều

Vừa qua, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) đã công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Đáng chú ý, hậu kiểm toán, doanh thu 6 tháng đầu năm bất ngờ giảm 23%, từ mức gần 822 tỷ đồng xuống còn 635 tỷ đồng Dù vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 1,5%, từ mức 4 tỷ đồng xuống mức 3,9 tỷ đồng.

Theo quan sát, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp được hoàn chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

Báo cáo soát xét bán niên 2024 của DIC Corp: Chỗ đầy, chỗ vơi
Báo cáo soát xét bán niên 2024 của DIC Corp: Chỗ đầy, chỗ vơi

Cần biết, hậu kiểm toán, những thay đổi về doanh thu và giá vốn đã khiến lợi nhuận gộp của DIC Corp “bốc hơi” 28%, xuống còn gần 109 tỷ đồng. Trong khi các khoản chi phí gần như không thay đổi, doanh thu tài chính của DIC Corp và phần lợi nhuận từ công ty liên kết chỉ tăng khoảng vài tỷ đồng, không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nói trên.

Cụ thể, sau soát xét, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt chưa đầy 18 tỷ đồng, giảm 2,4 lần so với con số 44 tỷ trên báo cáo tự lập của doanh nghiệp. Lợi nhuận trước thuế tương ứng cũng “bay mất” quá nửa, chỉ đạt vỏn vẹn 21,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng từ gần 26 tỷ đồng lên hơn 27 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận.

Nếu không được hoàn nhập gần 10 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập hoãn lại, DIC Corp thậm chí sẽ phải báo lỗ.

Với kết quả kinh doanh sau kiểm toán, đặt lên bàn cân với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của DIC Corp vẫn tăng 133%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đã lao dốc 82%.

Còn so với mục tiêu mang về 2.300 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 1.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kết thúc nửa đầu năm, doanh nghiệp mới hoàn thành được gần 28% chỉ tiêu doanh thu và 2% chỉ tiêu lợi nhuận.

Điểm trừ?

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên DIC Corp ghi nhận sự chênh lệch giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo tài chính soát xét. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm 33% sau khi kiểm toán vào cuộc và tính toán lại khoản lãi/lỗ từ hoạt động liên doanh, liên kết.

Trước đó, báo cáo tài chính soát xét năm 2021 và 2022 cũng ghi nhận lợi nhuận sau tăng lần lượt 28 tỷ đồng và 47 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Đằng sau sự trồi - sụt bất thường trên báo cáo kiểm toán DIC Corp - Ảnh 1

Thực tế, việc số liệu tài chính “nhảy múa” sau mỗi mùa kiểm toán đã không còn là hiện tượng hiếm gặp đối với các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do một số khác biệt về nghiệp vụ của doanh nghiệp và các đơn vị kiểm toán. Trước hết là việc áp dụng các chuẩn mực kế toán khi hạch toán doanh thu và chi phí. Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu mà không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được kiểm toán chấp nhận, hoặc không hạch toán đầy đủ các loại chi phí cần thiết.

Đó cũng có thể là sự khác biệt khi ước tính kế toán liên quan các khoản trích lập dự phòng hoặc dự báo doanh thu. Ngoài ra, sự chênh lệch còn xuất hiện khi kiểm toán không chấp nhận một số giao dịch có tính chủ đích của doanh nghiệp, chẳng hạn như việc lợi dụng các thương vụ mua bán dự án hoặc công ty con để tạo ra lợi nhuận.

Trên thị trường chứng khoán, đối với các nhà đầu tư, việc một doanh nghiệp liên tục để xảy ra chênh lệch giữa báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán có thể là một “điểm trừ” lớn. Dưới góc nhìn của họ, sự chênh lệch giữa báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán không chỉ phản ánh mức độ chuyên nghiệp của công tác tài chính và kế toán mà còn là chỉ báo về tính minh bạch và uy tín của doanh nghiệp.

Bởi lẽ, báo cáo tài chính là một căn cứ quan trọng để nhà đầu tư đánh giá tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó xác định giá trị cổ phiếu trước khi đưa ra quyết định mua bán, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn hạn chế về khả năng tiếp cận trực tiếp với hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để các công ty chứng khoán đánh giá rủi ro, quyết định việc cho vay ký quỹ và điều chỉnh tỷ lệ cho vay.

Theo đó, sự “đầy vơi” trên báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp khó có thể làm cho niềm tin của nhà đầu tư “đong đầy”.

Đối với DIC Corp – doanh nghiệp sở hữu một trong những mã cổ phiếu “hot” trên sàn chúng khoán, với thanh khoản trung bình mỗi phiên lên tới gần 19 triệu đơn vị, việc liên tục để xảy ra chênh lệch giữa các báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới uy tín trong mắt nhà đầu tư cũng như giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp.

Hà Lê

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục