Dân Trung Quốc cũng tẩy chay thực phẩm "made in China"

(Kinhdoanhnet) - Hàng loạt bê bối trong ngành nông nghiệp, thực phẩm khiến không chỉ người dân nhiều nước trên thế giới mà ngay chính người dân Trung Quốc cũng đang có xu thế "tẩy chay” hàng "made in China".

Khi lướt qua khu bán rau quả trong một siêu thị hiện đại nằm tại một trung tâm mua sắm lớn ở Thượng Hải, chị Elise Qian chú ý đến nước xuất xứ của hoa quả hơn là giá cả, chủng loại hay hình thức của chúng.

Dân Trung Quốc cũng tẩy chay thực phẩm "made in China" - Ảnh 1
Một phụ nữ mua sắm trong siêu thị ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc)

Chị Qian thích mua thực phẩm ngoại nhập từ Úc, Nhật hay Mỹ hơn đồ Trung Quốc. Bởi theo chị, thực phẩm Trung Quốc không thể tin được. “Đã có quá nhiều vụ bê bối. Nước và đất cũng chẳng tốt”, chị Quian nói.

Đất ô nhiễm đã trở thành mối lo ngại mới nhất của người tiêu dùng Trung Quốc. Kể từ vụ bê bối về thành phần melamine độc tố được tìm thấy trong sữa hộp đã làm 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và khoảng 54.000 em bé khác phải nhập viện, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng trở nên hoài nghi và lo ngại về thực phẩm sản xuất trong nước.

Nhiều vụ việc rùm beng khác liên tiếp diễn ra sau đó, từ mỳ hôi thối do chất nhuộm công nghiệp và mực in dùng để "hoá” thịt mèo và chuột thành thịt cừu hay thịt thỏ đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt lo ngại về việc sử dụng các nguyên liệu bất hợp pháp và phế phẩm của các nhà sản xuất thực phẩm thiếu đạo đức.

Quốc Vụ viện Trung Quốc đã mô tả ô nhiễm đất là rất "nghiêm trọng” và vào tháng 5 vừa qua đã công bố kế hoạch hành động nhằm đưa 90% đất trồng trọt bị ô nhiễm trở lại an toàn cho con người trong vòng 4 năm tới. Một công trình nghiên cứu của Trung Quốc vào năm 2014 cho thấy, trên 19% đất trồng trọt tại nước này bị nhiễm các chất độc hoá học có thể gây ung thư và khuyết tật thai nhi như catmi, kẽm và arsen.

Dân Trung Quốc cũng tẩy chay thực phẩm "made in China" - Ảnh 2
Người Trung Quốc đang có xu thế ưu ái thực phẩm ngoại

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như Greenpeace (Hoà Bình Xanh) tỏ ra nghi ngờ về các kế hoạch làm sạch đầy hoài bão này của Trung Quốc vì chính quyền các địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi ở nước có thể thiếu năng lực và chuyên môn để thực hiện.

Song thậm chí nếu chiến dịch làm sạch đất ô nhiễm với kinh phí 300 tỉ NDT (tương đương 45,2 tỉ USD) thành công thì Trung Quốc cũng khó có thể giành lại niềm tin của người tiêu dùng. Ông Ada Kong, giám đốc chương trình chất độc ở Đông Á thuộc Greenpeace cho hay: "Người tiêu dùng sẽ khó có thể phân biệt đâu là sản phẩm bị ô nhiễm và đâu là sản phẩm sạch".

Theo giám đốc khoa học nông nghiệp Chen Tai'an của Mahota Farms, một nông trại hữu cơ ở ngoại ô Thượng Hải Ngay thì các thực phẩm hữu cơ cũng không nhận được sự tin cậy tuyệt đối. “Chúng tôi làm việc chăm chỉ để chứng minh rằng những gì chúng tôi làm là thật, nhưng hiện có rất nhiều cách giả mạo, nhiều thứ dán mác hữu cơ thực ra không phải là hữu cơ”, ông Chen nói.

Dù sản phẩm hữu cơ của ông được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế, thực phẩm nhập khẩu vẫn phổ biến hơn tại Trung Quốc. Ngay cả Chen cũng quay sang nhập khẩu nếu ông không có nguồn nguyên liệu từ nông trại của mình. “Người ta tin rằng thực phẩm nhập khẩu an toàn hơn, chất lượng hơn”, ông nói.

Năm 2000, Trung Quốc chiếm 3,3% nhập khẩu nông nghiệp thế giới, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Song năm 2014, số liệu này leo đến 9,1%. Hiệp hội Ngành công nghiệp Thực phẩm dự báo rằng Đại lục sẽ là nhà tiêu dùng thực phẩm nhập khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018.

Xu hướng ưa chuộng thực phẩm ngoại cũng làm lợi cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc như FruitDay, nhà bán lẻ trực tuyến các sản phẩm tươi sống, đa phần có nguồn gốc từ Mỹ, New Zealand và Chile. Năm 2014, công ty này gấp đôi doanh thu, đến 500 triệu nhân dân tệ. Các nhà bán lẻ trực tuyến nhỏ hơn cũng tranh thủ thu lợi.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Fred Gale của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay nhu cầu thực phẩm nhập khẩu khó có thể giảm đi sớm. Ông Gale cho hay Mỹ cũng từng đối mặt vấn đề tương tự: “Ở Mỹ phải mất hơn 100 năm. Trung Quốc cần xây một hệ thống gây dựng niềm tin vào thực phẩm, và việc này sẽ tốn nhiều thời gian”.

Trong lúc này, người tiêu dùng giàu có như cô Qian vẫn sẽ tránh xa thực phẩm nước nhà: “Chúng trông ổn. Nhưng tôi không biết chúng có an toàn không”.

Dương Yến (Theo Thanh niên, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục