Theo TTXVN, ngày 15/8, nhiều người dân đã đứng rất đông trước cổng trạm thu phí khi hay tin đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam bắt đầu giám sát về doanh thu thu phí trạm này (từ 15-24/8). Hàng chục phương tiện được đỗ dọc hành lang tuyến đường quanh khu vực trạm phí.
Trạm thu phí số 2 Quốc lộ 5
Trao đổi với Thanh Niên, anh Phạm Hữu Hoàn (45 tuổi, người dân xã Đại Bản) cho biết: “Trạm thu phí số 2 nằm trên địa bàn, nên chỉ đi ô tô từ thôn nọ sang thôn kia cũng phải mất tiền như đi toàn tuyến. Như tôi một ngày mất 90.000 đồng cho 2 lần qua trạm để đưa đón con đi học ở Trường THPT Nguyễn Trãi, chỉ cách nhà khoảng 1 km”.
Một số hộ dân có xe ô tô làm dịch vụ chở vật liệu xây dựng, hàng hóa phải thường xuyên qua lại là bức xúc hơn cả. Anh Nguyễn Văn Huy (30 tuổi, xã Đại Bản) nói: “Mức phí cũ 10.000 đồng/lượt là chấp nhận được, chứ chúng tôi chỉ đi vài km đến Lê Thiện, Tân Tiến là hai xã cùng huyện rồi lại quay về mà lần nào cũng phải mua vé 45.000 đồng thì thà bỏ nghề còn hơn”. Theo người dân địa phương, từ xã Đại Bản đi vào nội thành không có đường tránh, đường tắt nào cho ô tô vì chính quyền các cấp đã ngăn hết, để phòng các phương tiện khác né trạm thu phí.
Ông Trần Văn Đoàn, thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện (An Dương, Hải Phòng) cho biết: “Một xe cát trước kia chỉ mất khoảng 130.000 đồng nhưng hiện nay nếu phải ‘cõng’ thêm mức phí ‘cắt cổ’ khiến chi phí chở hàng đội giá lên rất nhiều và không thể cạnh tranh được về giá cát với những địa bàn lân cận không đi qua trạm thu phí.”
Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Đại Bản cho biết, việc thu phí của người dân địa phương khi đi qua trạm thu phí như quy định chung là có phần vô lý. “Các bộ ngành nên xây dựng một phương án thu riêng, có thể là tính cây số đi như trên cao tốc hoặc giảm cước với người địa phương”, ông Tiến nói.
Về phía đơn vị thu phí, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban quản lý, bảo trì và khai thác QL 5, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cho biết: “Yêu cầu giảm phí của người dân địa phương tại các trạm thu phí BOT là việc đã xảy ra ở nhiều nơi. Bản thân các trạm thu phí là đơn vị thực hành theo quy định cũng nhận thấy nhiều bất cập cần thay đổi. Chúng tôi đã có báo cáo gửi lên các bộ ngành liên quan để Chính phủ xem xét giải quyết thỏa đáng”.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục và Bộ Giao thông Vận tải tiếp nhận, tập hợp các ý kiến, nguyện vọng nhân dân để cùng với các Bộ, ban ngành có kiến nghị lên Chính phủ cho sửa đổi Thông tư 159 đối với cá nhân, tổ chức sinh sống gần trạm thu phí để xây dựng mức phí phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
“Đến thời điểm này vẫn chưa sửa đổi được Thông tư 159 nên người dân cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các hộ dân tại xã Lê Thiện, Đại Bản đều đặt câu hỏi bây giờ Tổng cục Đường bộ mới tiếp nhận ý kiến vậy đến lúc nào mới có câu trả lời? Người dân cần có cơ chế cụ thể như miễn giảm thu phí sớm nhất cho bà con nơi đây vì phương tiện chiếm số ít và nhỏ lẻ.
Người dân cho biết, nếu yêu cầu này chưa được giải quyết thì rất có thể họ sẽ tiếp tục "quây" trạm lần nữa.
Mai Anh (Tổng hợp)