Trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021, đã có nhiều dự báo cho rằng, lợi nhuận của các nhà băng sẽ tăng chậm lại rõ rệt trong quý này, thậm chí sẽ có những ngân hàng tăng trưởng âm. Điều này xuất phát từ ảnh hưởng làn sóng dịch bệnh lần 4 và các đợt giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương. Ngoài ra, trước lời kêu gọi của cơ quan quản lý, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay từ tháng 7, chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Hiện đã có 6 ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với những chỉ tiêu chính như lợi nhuận, tăng trưởng dư nợ cho vay, tăng trưởng huy động, nợ xấu.
Cụ thể, tại TPBank (TPB), tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%.
Về lợi nhuận TPBank cho biết, kết thúc 9 tháng, ngân hàng đã đạt 75,76% kế hoạch cả năm. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên TPBank đề ra mục tiêu lợi nhuận 5.800 tỷ đồng trong năm 2021. Như vậy, ước tính 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của TPBank đạt khoảng 4.350 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Riêng quý III, lợi nhuận của ngân hàng đạt 1.344 tỷ đồng, tăng 36%.
HDBank (HDB) thì cho biết, tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ. Thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng banca và dịch vụ thanh toán.
Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% tại 30/9/2020 xuống còn 39%. ROE đạt 24%, tăng mạnh so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước.
SeABank (SSB) cũng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, ghi nhận tổng tài sản hoàn thành 99,7% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020; Cho vay khách hàng hoàn thành 92% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hiệu quả ở mức 35,35%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,68%.
Tại SHB, tính đến 30/09/2021, tổng tài sản SHB đạt 464 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý III, nhà băng này lãi hơn 1.880 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%, tương đương với chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống.
NCB (NVB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả kinh doanh tăng đột biến. Lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng đạt gần 80 tỷ đồng, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 9 tháng, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế đạt 204 tỷ đồng, tăng 635% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, trong quý III, ngân hàng không còn phải trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc đã giúp lợi nhuận tăng trưởng đột biến.
Cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 81.100 tỷ đồng, giảm 9,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên hơn 41.300 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 3,7% xuống mức 69.501 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của NCB là 800 tỷ, tăng 191 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.
Tại Kienlongbank (KLB), ngân hàng cho biết đã thực hiện gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đầu năm. Như vậy lợi nhuận 9 tháng của nhà băng này tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 72 tỷ đồng, tăng 76%.
Cuối tháng 9, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 113,38% kế hoạch năm, tăng 31% so với đầu năm; dư nợ cấp tín dụng đạt 47.450 tỷ đồng, hoàn thành 80,08% kế hoạch năm; huy động vốn thị trường 1 đạt 92,04% kế hoạch năm.
Vì sao dịch bệnh phức tạp, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh?
Nhìn chung, tương tự như các mùa báo cáo kết quả kinh doanh trước đây, những ngân hàng đầu tiên hé lộ con lợi nhuận thường khả quan và tích cực nhất. Bất chấp nhiều dự báo lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng chậm lại, một số ngân hàng như NCB, SHB, Kienlongbank,...đều ghi nhận lợi nhuận quý III tăng theo cấp số nhân.
Những ngân hàng có tăng trưởng cao như NCB, Kienlongbank, trên thực tế có quy mô rất nhỏ, nền so sánh thấp nên dễ ghi nhận thay đổi đột biến.
Chẳng hạn tại NCB, lợi nhuận quý 3 năm ngoái chỉ hơn 5 tỷ đồng. Kienlongbank cũng tương tự, lợi nhuận quý 3/2020 chỉ gần 42 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này thậm chí không bằng một phòng giao dịch, chi nhánh của những ngân hàng lớn trong hệ thống.
Ngoài ra, năm ngoái, NCB và Kienlongbank đều phải trích lập rất nhiều dự phòng liên quan đến những khoản nợ cũ theo đề án tái cơ cấu. Tại NCB, quý III năm ngoái ngân hàng phải trích lập tới 170 tỷ đồng cho các khoản nợ xử lý theo đề án tái cấu trúc, trong khi quý III/2021 năm nay ngân hàng không còn phải trích lập khoản này mà chỉ phải trích 132 tỷ đồng cho chi phí dự phòng.
Với Kienlongbank, đầu năm nay ngân hàng đã bán được hơn 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank - là tài sản đảm bảo cho một nhóm các khoản vay đã thành nợ xấu tại ngân hàng. Sau khi xử lý được khoản nợ xấu lớn này, Kienlongbank đươc ghi nhận khoản thu nhập đột biến, giúp lợi nhuận tăng vọt.
Trong khi đó, với đa số ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, giới phân tích cho rằng, lợi nhuận sẽ tăng chậm lại rõ rệt trong quý này.
FiinGroup cho biết, ước tính lợi nhuận quý 3 của 9 ngân hàng giảm 13,4% so với quý liền trước và đây là quý thứ hai liên tiếp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng duy trì tăng 10,8%, nhưng tốc độ đã chậm lại trong 2 quý gần đây.
Vietcombank và VietinBank, theo FiinGroup, sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt gần 1% và 5% so với quý trước, chủ yếu do nền so sánh thấp vì hai ngân hàng này đã tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý II.
Trong khi đó, lợi nhuận của VIB dự kiến giảm mạnh gần 40% so với quý trước do các mảng kinh doanh chính (bao gồm cho vay mua nhà, ô tô và bancassurance) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.
Bộ phận phân tích của chứng khoán SSI (SSI Research) thì dự báo lợi nhuận quý III của Vietcombank chỉ tăng 0,3%, VietinBank tăng 3,3%. Các ngân hàng tư nhân như MB, VPBank, ACB, HDBank có thể tăng trưởng cao hơn khoảng 13-16%,…
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết