Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp đang được hưởng lợi khá nhiều từ lãi suất ngân hàng, một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn cho mình nhằm mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất.
Điển hình mới đây nhất ngày 08/09, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã dành ra 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu; nông lâm thủy sản; dược phẩm, y tế; xăng dầu, vận tải; nhà hàng, du lịch, khách sạn; hóa chất; dệt may, da giày; linh kiện điện tử, thực phẩm và hàng tiêu dùng trên toàn quốc.
Sacombank dành ra 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi.
Theo đó các doanh nghiệp sẽ được vay với lãi suất tối thiểu là 7%/năm trong 6 tháng đầu, thời hạn vay theo nhu cầu của doanh nghiệp, thủ tục cho vay đơn giản và thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng.
Được biết từ đầu năm 2014 đến nay, ngân hàng đã triển khai khá nhiều gói cho vay ưu đãi với tổng trị giá 16.990 tỷ đồng và 170 triệu USD dành cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước.
Ngoài Sacombank, OceanBank cũng đã dành 2.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất vay ưu đãi. Thêm vào đó ngân hàng này còn triển khai chương trình "Tiếp sức DN 90+". Theo đó, các khách hàng là doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nhận những ưu đãi và quà tặng giá trị từ ngân hàng này.
OceanBank dành 2.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất vay ưu đãi.
Cuối tháng 08 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiền Phong (TPBank) cũng dành ra 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đặc thù vay với lãi suất ưu đãi.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất có hợp đồng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp lớn có thể vay tới 90% khoản phải thu bằng USD hoặc VND tại TPBank. Đối với các khoản vay này, TPBank sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với VND hoặc 3,2%/năm đối với USD cho các khoản vay ngắn hạn (lãi suất cố định 6 tháng), trung và dài hạn (lãi suất cố định tối đa 12 tháng).
Với gói tín dụng này, doanh nghiệp có thể vay với điều kiện linh hoạt là được ưu tiên sử dụng tài sản bảo đảm là khoản phải thu từ các doanh nghiệp lớn.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo đó, trong gói hỗ trợ này, BIDV sẽ áp dụng với mức lãi suất cho vay cố định là 7%/năm, trong đó lãi vay mà doanh nghiệp phải trả là 3,5%/năm và phần lãi vay còn lại sẽ được Ngân sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ.
Ngân hàng ABBank dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi tối thiểu 8,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua, xây, sửa chữa nhà, mua xe và tiêu dùng cá nhân.
Ngân hàng Quân đội (MBbank) cũng vừa triển khai gói tín dụng trung hạn ưu đãi lãi suất với tổng giá trị dư nợ tối đa 1.000 tỷ đồng dành cho DNNVV. Đây là chương trình nhằm hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho DN có nhu cầu vay vốn đầu tư trong thời gian tối thiểu 12 tháng và tối đa lên đến 60 tháng. Thời gian ưu đãi lãi suất từ 6 - 12 tháng, tùy theo thời hạn của khoản vay.
Theo thống kê, đến cuối 8/2014, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt 917.880 tỷ đồng, tăng 0,6% so với 31/7/2014.
Hiện tại các tổ chức này cũng đang chú trọng đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp; tăng cường mở rộng cho vay bán lẻ, mua nhà ở, hộ sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng; tập trung dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên...
Ngọc Anh (TH)