Cục thuế tỉnh Ninh Bình: Nhiều khuất tất cần được làm rõ?

(Kinhdoanhnet) - Với mức lương 360 triệu đồng/năm, chỉ phải phụng dưỡng cha mẹ già, lẽ ra ông Đỗ Văn Hoan, Cục trưởng Cục thuế Ninh Bình phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên ông đã dùng cách này, cách khác để “lách luật”…

“Thượng bất chính” 

Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 01/01/2009, qui định các điều kiện để người phụ thuộc được tính giảm trừ và mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ vào 1 người nộp thuế. Những năm đầu thực hiện luật thuế này, do mức lương cơ bản còn thấp, thu nhập của công chức, viên chức  chưa cao dẫn đến tổng thu nhập hàng năm cũng chỉ bằng với mức quyền được giảm trừ cho bản thân (48 triệu/năm) và 1 đến 2 người phụ thuộc được tính giảm trừ (19,2 triệu/người/năm). Như vậy, với mức lương thụ hưởng khoảng 70 – 80 triệu/năm và có 2 người phụ thuộc được tính giảm trừ thì trong năm người nộp thuế không phải nộp đồng thuế thuế thu nhập cá nhân nào. Từ năm 2011, 2012, khi mức lương cơ bản được điều chỉnh lên, cùng với hệ số được hưởng riêng của ngành thuế, thu nhập của ông Cục trưởng tăng lên mấy trăm triệu/năm. Xác định khả năng phải nộp nhiều thuế thu nhập cá nhân, ông Đỗ Văn Hoan đã thực hiện kê khai tăng số người phụ thuộc lên để làm giảm thu nhập tính thuế  mà lẽ ra ông phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Cục trưởng đã khai thêm những người mà pháp luật không cho phép tính giảm trừ (những người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng và được tính giảm trừ gia cảnh phải là người không có thu nhập hoặc thu nhập không vượt quá 500 ngàn hoặc 1 triệu đồng/tháng tùy thời điểm qui định-PV). Trong những năm này, ông Cục trưởng đã khai giảm trừ cho bà mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Thoa, trong khi bà đang hưởng mức trợ cấp 1,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra bà Nguyễn Thị Oanh (vợ ông Hoan, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình) cũng nhận khai nuôi mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Thoa, cũng tính giảm trừ cho mẹ đẻ của mình.

Đặc biệt trong năm 2013 và 2014, ông Đỗ Văn Hoan thụ hưởng mức tiền lương, tiền công tại Văn phòng Cục Thuế tỉnh Ninh Bình lần lượt là: 304 triệu đồng/năm 2013 và 360 triệu đồng/năm 2014, bình quân ông Cục trưởng hưởng lương trên dưới 30.000.000 đồng/tháng, cao gấp 2 lần mức lương hiện tại của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc lương của Chủ tịch tỉnh Ninh Bình. Với mức thu nhập rất cao này, ông Hoan sẽ phải nộp nhiều triệu tiền thuế thu nhập cá nhân theo qui định. Tuy nhiên, ông Cục trưởng đã khai lên đến 7 người phụ thuộc cho từng năm, số tiền được giảm trừ gia cảnh năm 2014 của ông Hoan lên đến 410 triệu đồng, đương nhiên vì giảm trừ hết nên ông không phải nộp đồng thuế thuế thu nhập cá nhân nào?

“Hạ tắc loạn”

Theo qui định tại Quyết định số 502/QĐ-TCT ngày 29/3/2010 và Quyết định số 503/QĐ-TCT ngày 29/3/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tại Văn phòng Cục thuế Ninh Bình có Phòng quản lý thuế, thuế thu nhập cá nhân. Tương tự, tại các huyện, thị xã, thành phố có các Đội quản lý thuế, thuế thu nhập cá nhân. Theo quyết định này, ngoài nhiệm vụ quản lý, kiểm tra đối tượng nộp thuế được phân cấp, còn có nhiệm vụ phối hợp với các phòng thanh tra, phòng kiểm tra, đội kiểm tra để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật thuế, thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế. Tuy nhiên, hiện tại các chi cục thuế thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ông Cục trưởng không thành lập một Đội quản lý thuế, thuế thu nhập cá nhân nào. Vì vậy, khi một số vụ việc vỡ lở, có biểu hiện trốn lậu thuế, gây thất thu thuế, thuế thu nhập cá nhân với số tiền rất lớn, và gây nên hệ lụy đến nhiều cơ quan, ban ngành trong tỉnh Ninh Bình. Điển hình là vụ việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Kim, có địa chỉ tại Phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình do Chi cục thuế TP. Ninh Bình quản lý mà ông Đỗ Văn Hải làm Chi cục trưởng.

Cục thuế tỉnh Ninh Bình: Nhiều khuất tất cần được làm rõ?  - Ảnh 1
Trụ sở chi cục thuế tỉnh Ninh Bình

Ngày 21/9/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Ninh Bình ra lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Kim do hành vi mua bán hơn 1.000 tờ hóa đơn khống với giá trị khống tới hơn 270 tỷ đồng, thu lợi bất chính từ việc bán hóa đơn khống này hơn 12 tỷ đồng (hơn 10 tờ báo đã đưa tin vụ này trong ngày 22/9/2014). Điều đáng nói là trong số hơn 270 tỷ đồng khống mà công ty này bán hóa đơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh từ năm 2012 đến tháng 7/2014, có hàng trăm tỷ là tiền chi cho nhân công lao động.

Theo qui định của pháp luật, người lao động nhận tiền lương trong doanh nghiệp nếu ký hợp đồng lao động trên 3 tháng, được doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm và thu nhập của người lao động được khấu trừ thuế, thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Trường hợp người lao động không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, phải thực hiện khấu trừ  thuế thu nhập cá nhân 10% trên số tiền một lần chi trả từ 1 triệu đến 2 triệu (do qui định từng thời điểm-PV). Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Kim xuất hóa đơn hàng trăm tỷ đồng tiền nhân công, nhưng không có một đồng thuế thu nhập cá nhân nào. Hàng tháng, doanh nghiệp gửi bảng kê mua vào, bán ra cho Chi cục thuế, có những hóa đơn tới hơn 10 tỷ đồng tiền nhân công, vẫn không có đồng  thuế thu nhập cá nhân nào? Trách nhiệm này  thuộc về cơ quan thuế quản lý?

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan Điều tra, Thanh tra, Kiểm toán phải vào cuộc với vai trò làm trọng tài cho việc tuân thủ pháp luật, nhất là với pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, một sắc thuế mang lại số thu hàng trăm tỷ đồng cho một tỉnh nghèo như Ninh Bình.

Nhóm PVPL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục