CTCP Tập đoàn Thiên Quang (ITQ): Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thấp

Mới đây, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) vào diện bị cánh báo, không được phép giao dịch ký quỹ với lý do lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty mẹ là số âm.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, CTCP Tập đoàn Thiên Quang (HNX: ITQ) ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 666,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng ở mức 655,6 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 10,5 tỷ đồng, tương đương 20,5% cùng kỳ năm trước.

So với năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh từ 15,2 tỷ đồng xuống âm 18,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh từ 388,8 triệu đồng lên 3,4 tỷ đồng, dẫn đến việc chi phí tài chính tăng lên 8,8 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của ITQ

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của ITQ

Trừ đi các chi phí khác, ITQ báo lỗ sau thuế 17,7 tỷ đồng, giảm tới 30,3 tỷ đồng so với năm trước. Đây là năm đầu tiên công ty kinh doanh thua lỗ kể từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2012.

Lý giải về vấn đề này, ITQ cho rằng sự đóng băng của thị trường bất động sản đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của các công ty sản xuất sắt, thép… Ngoài ra, do giá thành nguyên vật liệu tăng, cùng với đó là sự biến động tăng của tỷ giá hối đoái và lãi suất ngân hàng nên chi phí tài chính tăng cao, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu của công ty.

Theo đó, ngày 29/3/2023, HNX đã ra quyết định đưa cổ phiếu ITQ vào diện bị cánh báo, đồng thời thông báo bổ sung công ty này vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ với lý do lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty là số âm, có hiệu lực từ ngày 3/4/2023.

Thông báo số 1152/TB-SGDHN về việc bổ sung cổ phiếu ITQ vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ với lý do: Chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo; Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty là số âm

Thông báo số 1152/TB-SGDHN về việc bổ sung cổ phiếu ITQ vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ với lý do: Chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo; Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty là số âm

Trước đó, tình hình tài chính của ITQ tương đối khả quan. Tuy nhiên, dù doanh thu tăng cao nhưng lợi nhuận sau thuế khá “mỏng”. Cụ thể, năm 2020, công ty đạt doanh thu thuần 452,9 tỷ đồng, lãi ròng 1,8 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, ITQ ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 685,9 tỷ đồng. Công ty lãi sau thuế hơn 12 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của ITQ trong 4 năm gần đây (2019 – 2022).
Kết quả kinh doanh của ITQ trong 4 năm gần đây (2019 – 2022).

Nợ ngắn hạn cao, khả năng thanh toán thấp

Bên cạnh kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2022, khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của ITQ cũng khá “bấp bênh”. Nhìn vào bảng cân đối kế toán tính đến ngày 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của công ty là 421,2 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 8,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng nợ của công ty là 220,2 tỷ đồng, nợ ngắn hạn chiếm 100%, hệ số thanh toán tức thời chỉ đạt 0,03. Thông thường, chỉ số này ở mức 0,1 sẽ thể hiện khả năng duy trì lượng tiền mặt ổn định để doanh nghiệp có thể chi trả những khoản vay ngắn hạn. Con số 0,03 cho thấy khả năng thanh toán không tốt của ITQ.

Tổng nợ phải trả của ITQ theo bảng cân đối kế toán tính đến ngày 31/12/2022

Tổng nợ phải trả của ITQ theo bảng cân đối kế toán tính đến ngày 31/12/2022

Nổi bật ở mục nợ ngắn hạn của ITQ là khoản vay và nợ thuê tài chính lên đến hơn 123 tỷ đồng, phần lớn là các khoản vay ngân hàng nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất. Trong đó, bao gồm 44,3 tỷ đồng tiền vay Vietcombank, 77,8 tỷ đồng vay của Vietinbank và các khoản vay khác, tài sản đảm bảo đa phần là các loại máy móc, thiết bị, quyền sử dụng đất...

Ngoài ra, chi phí phải trả người bán ngắn hạn cũng ở mức cao, lên tới 93,7 tỷ đồng. Cụ thể, ITQ phải trả các nhà cung cấp khác như 48,3 tỷ đồng cho Samsung, tiền nợ công ty TNHH Posco VST là 24,4 tỷ đồng…

Được biết, công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Quang được thành lập từ năm 2007, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thép không gỉ và nhựa xốp.

Công ty có mã số thuế 0900233261, trụ sở được đặt tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Người đại diện là ông Phạm Quang Trung – Tổng giám đốc. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Văn Quảng.

 

Ngọc Bảo

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục