Bị phạt và truy thu thuế hơn 1,4 tỷ đồng
Theo quyết định xử phạt số 2482/QĐ-CT ngày 15/8 của Cục Thuế Tp.HCM, CTCP Cấp nước Thủ Đức đã khai sai dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế GTGT, hạch toán chi phí khi tính thuế TNDN; khai sai dẫn đến thiếu phí bảo vệ môi trường phải nộp.
Theo đó, CTCP Cấp nước Thủ Đức bị phạt 178 triệu đồng phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế và phí bảo vệ môi trường phải nộp (tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu).
CTCP Cấp nước Thủ Đức còn bị phạt hơn 14 triệu đồng phạt về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, đồng thời, phải nộp tiền truy thu thuế gần 995 triệu đồng. Trong đó, gần 131 tỷ đồng thuế GTGT ; gần 837 triệu đồng thuế TNDN cùng hơn 27 triệu đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
CTCP Cấp nước Thủ Đức cũng phải trả tiền chậm nộp thuế hơn 221 triệu đồng (gồm 35 triệu đồng chậm nộp thuế GTGT; gần 176 triệu đồng chậm nộp thuế TNDN và hơn 10 triệu đồng chậm nộp phí bảo vệ môi trường.
Như vậy, tổng số tiền phạt và truy thu thuế CTCP Cấp nước Thủ Đức phải nộp là hơn 1,4 tỷ đồng.
Cục Thuế Tp.HCM cũng cho biết, CTCP Cấp nước Thủ Đức sẽ bị giảm khấu trừ hơn 7 triệu đồng, số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển sang năm 2022 là gần 436 triệu đồng.
Lùm xùm dấu hiệu chênh giá tại dự án mua sắm đồng hồ nước
Tại gói thầu Cung cấp đồng hồ nước DN15 cấp C loại thể tích đợt 1 năm 2022 do CTCP Cấp nước Thủ Đức làm chủ đầu tư theo Quyết định số 893/QĐ-CNTĐ-KT, ngày 18/5/2022; đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH P.T.P. Gói thầu này có giá dự toán bằng giá trúng thầu 19.033.056.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu là 0%.
Tại gói thầu này, đồng hồ nước DN15mm cấp C loại thể tích (xuất xứ Malaysia) có giá là 629.400 đồng/cái. Tuy nhiên theo bảng báo giá từ Công ty Cổ phần công nghệ Maxbuy Việt Nam cung cấp, hiện tại, sản phẩm nói trên có giá 544.300 đồng/cái (mức giá đã bao gồm VAT, vận chuyển và chi phí kiểm định).
Như vậy, số tiền chênh lệch của mỗi sản phẩm đồng hồ nước nói trên cao hơn thị trường là 85.000 đồng/cái. Mức chênh lệch ở từng sản phẩm có thể không quá lớn, tuy nhiên, với số lượng mua sắm 28.000 chiếc, số tiền chênh lệch với thị trường ở gói thầu này lên tới 2.380.000.000 đồng.
Trước đó, chia sẻ trên báo chí, Luật sư Luật sư Nguyễn Công Tín nhận định: "Giá hàng hoá trong hồ sơ mời thầu bị đội giá, cao hơn so với giá thị trường rõ ràng là có gây thiệt hại cho nhà nước, cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan, đặc biệt là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu. Nhẹ thì bị kỷ luật, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các tội phạm khác về chức vụ.
Giá trúng thầu bằng đúng với giá ghi trong hồ sơ mời thầu. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nhưng nó làm mất đi ý nghĩa của hoạt động đấu thầu là tiết kiệm ngân sách nhà nước. Nếu xảy ra tiêu cực trong vấn đề này thì thường là hành vi thông đồng giữa người có thẩm quyền (người biết rõ giá đặt thầu của các nhà thầu khác) và nhà thầu trúng thầu, thường thủ đoạn sẽ là đợi đến khi gần hết thời điểm đóng thầu, người có thẩm quyền sẽ thông tin đến nhà thầu để nộp hồ sơ, đặt giá sát với giá mời thầu hoặc bằng với giá mời thầu. Đây là hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu và có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Từ năm 2013 đến nay, cơ quan quản lý đã điều tra khởi tố hàng chục nghìn vụ án tham nhũng chức vụ kinh tế, trong đó phần lớn liên quan đến các sai phạm về đấu thầu, mua sắm xây dựng, đầu tư công.