Chiều 1/8, giới đầu tư xôn xao trước thông tin Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố danh sách liên đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công tại gói thầu 5.10 tại sân bay Long Thành. Theo đó, liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật là Vietur, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.
Liên danh Vietur còn có sự tham gia của các nhà thầu trong nước khác như Công ty CP đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP đầu tư xây dựng SOL E&C, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP kết cấu ATAD, Công ty CP xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Như vậy, liên danh Vietur đã "đánh bật" các đối thủ là liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do Tập đoàn China Harbour Engineering (Trung Quốc) đứng đầu và liên danh Hoa Lư (gồm 7 nhà thầu nội do Coteccons đứng đầu và một nhà thầu Thái Lan) để vượt qua vòng kỹ thuật đối với gói thầu này, theo báo Tuổi trẻ.
Không nằm ngoài dự đoán, thông tin này đã ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán ngày 2/8. Theo báo Dân trí, cổ phiếu CTD của Coteccons mất thêm 3,7% còn 64.400 đồng. Tính đến hết phiên sáng 2/8, CTD đã có 3 phiên giảm mạnh liên tục, trong đó, ở phiên hôm 1/8, mã này giảm sàn với khớp lệnh tăng mạnh.
Cổ phiếu "ông lớn" ngành xây dựng giảm mạnh dù báo lãi quý II cao nhất trong gần 2 năm, đạt hơn 30 tỷ đồng. Coteccons đang vướng vào bê bối bị Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Phía Ricons cho biết, việc nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.
Theo báo cáo gần nhất, Coteccons nắm giữ 14,3% vốn Ricons. Giá trị vốn góp là hơn 301 tỷ đồng. Vụ tranh chấp diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, là giai đoạn cuối chấm điểm các nhà thầu trong vụ đấu thầu thi công gói thầu 35.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành.
Trở lại với thị trường chứng khoán, tại nhóm ngành bất động sản, QCG có lúc tăng trần lên 10.700 đồng trước khi hạ độ cao về 10.550 đồng, giảm 5,5%. NVL giảm 2,5% với khớp lệnh đạt 24,5 triệu cổ phiếu; DXG tăng 1,9%; DIG tăng 1,2%. Chiều ngược lại, LEC điều chỉnh sâu, mất 5,8%; NVT giảm 3,5%; SJS giảm 2,6%; VRC giảm 2%; thanh khoản ở những mã này rất thấp.
Sắc xanh chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính. BCG tăng 3,8%; EVF tăng 2%; VND, APG, VCI, VIX, OGC, TVS, HCM, BSI tăng giá. Tương tự, phần lớn cổ phiếu ngân hàng tăng điểm cũng đã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index: EIB tăng 3,3%; BID tăng 2,3%; CTG tăng 2%; LPB tăng 1,5%; các mã VIB, SHB, MSB, ACB, VPB đều tăng giá.
Chốt phiên sáng 2/8, sàn HOSE có 155 mã tăng và 268 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,45 điểm (+0,04%), lên 1.218,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 438,96 triệu đơn vị, giá trị 8.791,32 tỷ đồng, giảm 20,89% về khối lượng và 24,87% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,39 triệu đơn vị, giá trị 544,38 tỷ đồng, thông tin trên chuyên trang Đầu tư chứng khoán.