Theo Kết luận thanh tra số 49/KL-TTr ngày 25/4/2017 của Thanh tra Bộ LĐ TB&XH cho thấy, Công ty CP Thương Mại tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS trụ sở chính có địa chỉ tại 106 Phố Định Công, phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội là đơn vị chuyên đưa lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài, được hoạt động theo Giấy phép số 0102354135 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp. 2 chi nhánh được giao hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là tại TP HCM có địa chỉ tại số 68 đường 17, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM và chi nhánh tại Vĩnh Phúc có địa chỉ tại số 13, đường Tô Hiệu có khá nhiều vi phạm.
Trụ sở của Công ty CP Thương Mại tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS tại Định Công, phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội.
Kết luận chỉ rõ, công ty chưa thông báo việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho Chi nhánh với Sở Lao Động Thương binh & Xã hội TP.HCM nơi trụ sở đặt chi nhánh. Cán bộ chuyên trách quản lý không có trình độ chuyên môn ngành Kinh tế, Quản trị nhân lực.
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với một số lao động đi làm việc tại Đài Loan không đảm bảo ít nhất 05 ngày trước khi người lao động xuất cảnh.
Kết luận thanh tra số 49/KL-TTr ngày 25/4/2017 của Thanh tra Bộ LĐ TB&XH về sai phạm đang tồn tại tại Công ty CP Thương Mại tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS.
Thông báo tuyển lao động đi làm việc ở Nhật Bản không có thông tin về các khoản chi phí người lao động phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, thông báo tuyển lao động đi làm việc tại Đài Loan, Macao không có thông tin về nơi làm việc.
Thời gian bồi dưỡng kiến thức cho học viên không đầy đủ do công ty không tách biệt được thời gian học ngoại ngữ và thời gian bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Không quản lý chương trình đào tạo, thời gian lên lớp của giáo viên và học viên. Thực hiện không đầy đủ việc kiểm tra để cấp chứng chỉ cho học viên sau khi tham gia khóa bồi dưỡng cần thiết.
Công ty không thu tiền mô giới của người lao động, người lao động nộp trực tiếp tiền mô giới cho đối tác nước ngoài khi nhập cảnh đi làm việc.
Bên cạnh đó, công ty còn đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa gửi thông báo bằng thư bảo đảm 3 lần đến người lao động trong thời gian 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng.
Trước những sai phạm của Công ty CP Thương Mại tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng đã yêu cầu: Thông báo việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho Chi nhánh với Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.HCM theo quy định tại khoản 4, điều 16 luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cán bộ chuyên trách về quản lý phải có trình độ chuyên mônm chuyên ngành Kinh tế, Quản trị nhân lực theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Quyết định số 19/2007, QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Thanh tra Bộ LĐTB&XH yêu cầu Công ty CP Thương Mại tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động đảm bảo ít nhất 05 ngày trước khi người lao động xuất cảnh theo quy định tại phần 2, mục V, Thông tư số 21/2007/TT- BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Nội dung thông báo tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đầy đủ thông tin theo quy định tại phần 1, mục V, Thông tư số 21/2007/TT- BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Tổ chức bộ máy chuyên trách, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, phải quy định và phân công cụ thể bộ phận quản lý học viên và bộ phận đào tạo theo quy định tại Điều 7, Quyết định số 19/2007, QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Giao việc bồi dường kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 mục IV, Chương trình bổi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài ban hành kèm theo quyết định số 18/2007/ QĐ- BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Biên soạn tài liệu để phục vụ công tác bồi dưỡng cho người lao động đầy đủ các nội dung về hợp đồng lao động giữa các doanh nghiệp với người lao động và nội dung về kỷ luật lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 3, mục IV, Quyết định số 18/2007/ QĐ- BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Thời gian bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động phải đầy đủ theo quy định tại mục II, Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài ban hành kèm theo quyết định số 18/2007/ QĐ- BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Quản lý chương trình đào tạo, lên lớp của giáo viên, học viên khi thực hiện việc bồi dưỡng khiến thức cần thiết cho người lao động theo quy định tại khoản b, Điều 8, Quyết định số 19/2007, QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Thực hiện việc kiểm tra, cấp đầy đủ chứng chỉ cho học viên sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định tại khoản c, Điều 8, Quyết định số 19/2007, QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Thu, quản lý sử dụng tiền mô giới theo quy định tại Điều 20 Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và hướng dẫn tại mục II, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT –BLĐTBXH- BTC ngày 04/9/2007, của liên Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính.
Đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 27, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Lãnh đạo Công ty CP Thương Mại tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS cho rằng các sai phạm như vậy là quá phổ biến.
Để tìm hiểu rõ những sai phạm của Công ty, PV đã có buổi làm việc với ông Tâm, lãnh đạo Công ty CP Thương Mại tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS. Tại buổi làm việc, ông Tâm vẫn cho rằng các sai phạm như vậy là quá phổ biến, tại nhiều Công ty XKLĐ và công ty của ông cũng không phải ngoại lệ.
Như vậy, có thể thấy, đối với kết luận Thanh tra của Bộ LĐ,TB&XH, Công ty vẫn xem nhẹ việc thực hiện những điều mà thanh tra yêu cầu.
Thiết nghĩ chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm cần phải được nâng lên không phải “chờ” tới lúc họ vi phạm lần thứ ba mới tước giấy phép, như vậy sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
An Ninh/GDPL