Biên lãi ròng chưa đầy 1%
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại quốc tế Huy Hoàng (sau đây gọi tắt là công ty Huy Hoàng – PV) có địa chỉ tại tầng 6, tháp B - tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, do ông Đỗ Huy Hoàng là người đại diện pháp luật.
Như đã đề cập trong bài viết: Công ty Huy Hoàng – Bài 1: Nhiều gói thầu tiết kiệm thấp và những lần giao dịch tín dụng tại ngân hàng, công ty này đã trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn (trong cả vai trò liên danh và độc lập) nhưng tỉ lệ tiết kiệm chỉ ở mức “tượng trưng”, loanh quanh 1% - đồng nghĩa với việc nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tiết giảm được ít.
Trong diễn biến liên quan, việc liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn cùng với các hoạt động kinh doanh khác đã đem về cho Huy Hoàng một nguồn doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại không đáng là bao.
Theo báo cáo tài chính, trong giai đoạn 2018 – 2021, Huy Hoàng ghi nhận doanh thu thuần năm 2018 đạt 432,6 tỷ đồng, tăng nhẹ lên 445,8 tỷ đồng vào năm 2019 trước khi giảm xuống 411,5 tỷ đồng (2020) và 370,4 tỷ đồng (2021).
Năm 2018, tình hình kinh doanh “ảm đạm” khiến công ty lỗ hơn 11 tỷ đồng. Trong 3 năm tiếp theo, Huy Hoàng đã từng bước vực dậy khi lần lượt báo cáo lợi nhuận sau thuế 588,9 triệu đồng (2019), 665,2 triệu đồng (2020) và 433,5 triệu đồng (2021). Tuy có lãi, nhưng đây vẫn là một mức lợi nhuận khá “mỏng” so với nguồn doanh thu của doanh nghiệp.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Huy Hoàng năm 2021 cho thấy tình hình kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp khi lưu chuyển tiền thuần tăng lên 535,4 tỷ đồng, hơn 53,5% so với cùng kỳ. Con số này góp phần bù đắp tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 459,7 tỷ đồng, giúp lưu chuyển tiền thuần ở mức dương 81,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, biên lãi gộp tăng dần qua từng năm từ mức 6,3% năm 2018, tăng lên 9,7% năm 2019, tiếp tục tăng lên 10,9% (2020) trước khi giảm về 9,4% (2021). Biên lãi ròng tuy có khởi sắc trong 3 năm 2019 -2021 song vẫn rất mỏng, chưa đầy 1%.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, những công ty có lợi nhuận thấp dù doanh thu cao hầu hết do phải “gánh” nhiều chi phí đầu vào và các chi phí quản lý khác. Cũng không loại trừ khả năng họ đã chủ động trong việc quản lý các chi phí này nhằm giảm bớt thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nợ phải trả gấp 25 lần vốn chủ sở hữu
Theo tài liệu phóng viên có được, tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Huy Hoàng ở mức 1.178 tỷ đồng, trong đó có tài sản ngắn hạn 1.139 tỷ đồng, tương đương 96,6%, còn lại là 38,5 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Chiếm đa phần trong tổng tài sản là hàng tồn kho với 617,2 tỷ đồng, tương ứng 52,3%. Một hạng mục có tỷ trọng lớn khác trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp là các khoản phải thu ngắn hạn 343,7 tỷ đồng, bao gồm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 200,4 tỷ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn 91,3 tỷ đồng, ngoài ra còn hơn 52 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn khác.
Nhìn vào bảng cân đối kế toán, cơ cấu nợ của Huy Hoàng trong giai đoạn 2018 – 2021 luôn có 100% là nợ ngắn hạn, không có nợ dài hạn. Tính đến cuối năm 2021, quỹ nợ của công ty đã “phình to” lên tới 1.133 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 662,7 tỷ đồng vào cùng thời điểm năm 2018.
Như vậy, tổng nợ phải trả của Huy Hoàng cao hơn gấp 25 lần vốn chủ sở hữu 45,3 tỷ đồng. Với hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) lớn tới mức này cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng nhiều vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh, dẫn đến nhiều khó khăn, rủi ro trong việc trả nợ, nhất là với tình hình lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay.