Công ty Hurapeco lúc thì liên danh khi thành đối thủ với công ty Đường bộ I trên “sân nhà” Thừa Thiên – Huế

Công ty Hurapeco đã trúng hàng loạt gói thầu có giá trị lớn trên “sân nhà” Thừa Thiên – Huế nhưng tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu lại sát mức 0 đồng. Đáng chú ý, Hurapeco và công ty Đường bộ I có một mối quan hệ thất thường khi thì liên danh trúng thầu, lúc lại là đối thủ cạnh tranh.

Nhà thầu “quen mặt” tại tỉnh nhà Thừa Thiên – Huế

Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là công ty Hurapeco – PV) được thành lập từ năm 2009 với mã số thuế 3300100385. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Trụ sở công ty được đặt tại A135 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Bùi Xuân Chiến là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp lần 2 ngày 18/6/2014, Hurapeco có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, trong đó 51% là nguồn vốn ngân sách Nhà nước, còn lại là nguồn vốn tư nhân.

Kể từ khi được phê duyệt trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia năm 2014, tính đến tháng 7/2023, Hurapeco đã tham gia 63 gói thầu, trúng 43 gói, trượt 17 gói, 3 gói chưa có kết quả. Trong đó, có đến 42/43 gói Công ty này đã trúng được thực hiện tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế với tổng giá trị trúng thầu đạt 2,4 nghìn tỷ đồng.

Dữ liệu về Hurapeco trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. Ảnh chụp ngày 20/7/2023.

Dữ liệu về Hurapeco trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. Ảnh chụp ngày 20/7/2023.

Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu có giá trị lớn mà Hurapeco đã trúng (trong cả vai trò độc lập và liên danh) với tổng giá trị trúng thầu 2,01 nghìn tỷ đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 22,06 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trung bình 0,27%. Trong đó, có những gói thầu trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng tỉ lệ tiết kiệm chỉ loanh quanh mức 1%.

Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu có giá trị lớn mà Hurapeco đã trúng trong cả vai trò độc lập và liên danh (thứ tự giá trúng thầu từ cao xuống thấp). Theo đó, tổng giá trị trúng thầu là 2,01 nghìn tỷ đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu 22,06 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trung bình 0,27%.
Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu có giá trị lớn mà Hurapeco đã trúng trong cả vai trò độc lập và liên danh (thứ tự giá trúng thầu từ cao xuống thấp). Theo đó, tổng giá trị trúng thầu là 2,01 nghìn tỷ đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu 22,06 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trung bình 0,27%.

Có thể kể đến giai đoạn 2018-2023, Giám đốc ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đăng Trường đã phê duyệt 8 gói thầu cho Hurapeco trúng (trong cả vai trò độc lập và liên danh). Trong đó đáng chú ý là gói xây lắp số 09 năm 2022 có giá trị lên tới 1,4 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tiết kiệm vài chục tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là liên danh Trung Chính – Hurapeco - Việt Anh – Đường Bộ I.

Cũng tại đơn vị này, Hurapeco cùng 3 thành viên khác trong liên danh đã trúng gói xây lắp số 04 năm 2021 có giá trị 46,5 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm “vỏn vẹn” hơn 1 triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm sát mức 0%.

Hay tại ban QLDA ĐTXD thành phố Huế, trong năm 2022, Giám đốc Hoàng Thiện đã phê duyệt 2 gói thầu xây lắp cho liên danh Anh Quân - Đại Thành - Phúc Thành – Hurapeco (gói số 15) và liên danh Đại Thành - Hurapeco - Thái Bình - Phúc Thành (gói số 16) với tổng giá trị gần 80 tỷ đồng nhưng số tiền tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước chỉ gần 50 triệu đồng. Tỉ lệ tiết kiệm của 2 gói này lần lượt là 0,01% và 0,1%.

Điệp khúc trúng thầu sát giá lặp lại ở gói xây dựng công trình tại ban QLDA khu vực huyện Điền Phong có giá trúng thầu 24,3 tỷ đồng, tiết kiệm 34,5 triệu đồng (tỉ lệ 0,14%); gói xây lắp số 09 tại ban Quản lý khu vực Phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế có giá 22,9 tỷ đồng, tiết kiệm 17,9 triệu đồng (0,08%)…

Cần phải nói, tỉ lệ tiết kiệm trong đấu thầu vẫn luôn được coi là thước đo đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu ngân sách của mỗi địa phương, đơn vị. Dẫu rằng không có quy định về mức tiết kiệm bao nhiêu là đúng và đủ, nhưng thực tế thì tỉ lệ tiết kiệm càng cao, càng có lợi cho ngân sách đầu tư công.

Đây cũng là trách nhiệm của chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu và phê duyệt kinh phí cho gói thầu. Ngoài việc lựa chọn nhà thầu đủ chuyên môn, năng lực, chủ đầu tư cũng cần thực hiện đúng quy trình, có sự khách quan, minh bạch, tránh gây lãng phí, thất thoát ngân sách.

Điệp khúc liên danh – đối thủ với công ty Đường bộ I và Anh Quân

Theo nghiên cứu của PV, Hurapeco đã từng “song hành” với công ty Cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên - Huế (sau đây gọi tắt là công ty Đường bộ I; MST: 3300100441; địa chỉ: Số 14 Trần Đại Nghĩa, phường An Tây, thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) trong 19 gói thầu tại các đơn vị chủ đầu tư khác nhau.

Đáng chú ý, sự kết hợp của 2 nhà thầu này tạo nên một mối quan hệ kỳ lạ khi thì liên danh trúng thầu - lúc lại “trở mặt” thành đối thủ cạnh tranh.

Cụ thể, trong năm 2020, hai doanh nghiệp này đã cùng liên danh và trúng 2 gói thầu Quản lý, bảo dưỡng sửa chữa đường tỉnh, đảm bảo giao thông được tổ chức bởi sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thừa Thiên - Huế. Kết quả mở thầu cho thấy, đây là liên danh duy nhất tham dự và trúng thầu, ko có đối thủ cạnh tranh.

Vậy mà chỉ 1 tháng sau, tức tháng 5/2020, cũng tại sở GTVT Thừa Thiên - Huế, mối quan hệ liên danh bị phá bỏ, bộ đôi này lại đối đầu nhau trong 2 gói “Sửa chữa đường tỉnh và đảm bảo giao thông” (Hurapeco là công ty trúng thầu) và gói “Sửa chữa đường tỉnh, mở rộng điểm đen, điểm tiềm ẩn và đảm bảo giao thông” (Đường bộ I trúng thầu). Theo như kết quả mở thầu, cả hai gói này đều chỉ có 2 nhà thầu tham gia, đó là Hurapeco và Đường bộ I.

Một số gói thầu cho thấy mối quan hệ thất thường giữa Hurapeco và Đường bộ I.
Một số gói thầu cho thấy mối quan hệ thất thường giữa Hurapeco và Đường bộ I.

Sự “cạnh tranh” vẫn tiếp diễn tại sở GTVT Thừa Thiên - Huế khi chỉ có 2 doanh nghiệp này đối đầu nhau trong 2 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh năm 2020 (Hurapeco trúng thầu) và năm 2021 (Đường bộ I trúng thầu) trước khi “bắt tay” với nhau trong những gói thầu tiếp theo.

Theo đó, tháng 7/2021, sau những lần ở “hai đầu chiến tuyến”, Hurapeco và Đường bộ I đã “tình thân mến thân”, liên danh trúng gói thầu số 06 tại trung tâm Quản lý, Khai thác hạ tầng khu kinh tế, công nghiệp (thuộc ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng gói “Xây lắp và đảm bảo an toàn giao thông” tại sở GTVT Thừa Thiên - Huế.

Tiếp đà, hai công ty này cùng những thành viên khác trong liên danh đã liên tiếp trúng gói thầu xây lắp số 04 năm 2021 và gói xây lắp số 09 năm 2022 tại ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặt lên bàn cân, năng lực trong lĩnh vực đấu thầu của Đường bộ I khá “ngang kèo” với Hurapeco khi ghi nhận công ty đã tham gia 94 gói thầu, trúng 81 gói với tổng giá trị trúng thầu 2,4 nghìn tỷ đồng, 100% gói thầu được tổ chức tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngoài công ty Đường bộ I, Hurapeco cũng có một mối quan hệ như trên với công ty TNHH Anh Quân (sau đây gọi tắt là công ty Anh Quân; MST: 3300356059; địa chỉ: Lô B5, đường Hà Huy Tập, phường Xuân Phú, thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế).

Cụ thể, năm 2018, gói thầu xây lắp công trình tại cục Quản lý đường bộ II (tỉnh Nghệ An, thuộc tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã “đánh dấu” lần đầu tiên hai doanh nghiệp này kết hợp, cùng nhau trúng thầu với giá 6,08 tỷ đồng.

Đến năm 2019, tại ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hurapeco đã đối đầu với Anh Quân và 3 nhà thầu khác ở gói thầu xây lắp số 11. Kết quả, Hurapeco trúng thầu với giá 5,7 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019-2020, Hurapeco cũng có sự cạnh tranh cùng Anh Quân và một số nhà thầu khác tại 5 gói thầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhưng cả 2 công ty đều trượt các gói thầu này.

Cho đến năm 2022, Hurapeco đã “nối lại” mối quan hệ cùng Anh Quân, kết hợp thêm 2 công ty Đại Thành, Phúc Thành để tạo nên “bộ 4”, liên danh trúng gói thầu xây lắp số 15 tại ban QLDA ĐTXD khu vực thành phố Huế năm 2022 với giá 37,3 tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia, tình trạng “liên danh – đối thủ” này có thể là dấu hiệu không bình thường trong hoạt động đấu thầu khi số lượng nhà thầu dự thầu chỉ để “cho vui”, cho đủ điều kiện, làm nhiệm vụ lót đường cho doanh nghiệp đã được sắp đặt để trúng thầu.

Liệu thực trạng này có xảy ra ở các gói thầu mà Hurapeco tham gia như đã nói ở trên không thì phải cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ mới có thể kết luận được. Nhưng tỉ lệ tiết kiệm thấp và thực trạng lúc liên danh, lúc thành đối thủ của Hurapeco và các nhà thầu là một thực tế hiện hữu mà PV ghi nhận trong quá trình nghiên cứu việc thực thi pháp luật về đấu thầu ở nhiều địa phương, trong đó có địa bàn Thừa Thiên - Huế. Các gói thầu mà PV dẫn dụ trong bài đều có dấu đỏ của đơn vị chủ đầu tư phê duyệt gói thầu.

 

Ngọc Bảo - Hoàng Giang

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục