Công ty Đấu giá Thành An: Khách hàng không thể trả giá trong cuộc đấu tài sản của công ty CP Vận tải sông biển Cần Thơ

Công ty Đấu giá hợp danh Thành An được ủy quyền tổ chức thành công cuộc đấu giá tài sản của công ty CP Vận tải sông biển Cần Thơ. Tuy nhiên, một số khách hàng phản ánh, họ không thể trả giá dù thời gian “cuộc đấu” vẫn còn.


Còn 20 phút vẫn không trả được giá?

Vừa qua, Luật Đấu giá tài sản đã được thảo luận sôi nổi trên nghị trường Quốc hội. Có nhiều ý kiến liên quan việc thao túng kết quả đấu giá vẫn xảy ra trong các phiên đấu gây thất thoát Ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng quyền lợi của các cá nhân, đơn vị tham gia đấu giá và an ninh, trật tự.

Mới đây, Tạp chí Đời sống và Pháp luật nhận được phản ánh của một số đơn vị, cá nhân về việc họ không thể trả giá khi tham gia trong phiên đấu giá tài sản do công ty Đấu giá hợp danh Thành An tổ chức. 

Được biết, tài sản trong phiên đấu giá trên bao gồm 01 tàu Sông Hậu 06, 01 tàu Sông Hậu 08, 01 tàu Sông Hậu 12. Các tài sản đều trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không sử dụng và là tài sản thanh lý theo quy định của công ty CP Vận tải sông biển Cần Thơ (địa chỉ: 230 Trần Hưng Đạo, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). 

Phiên đấu được tổ chức dưới hình thức đấu giá trực tuyến theo phương thức trả giá lên. Giá khởi điểm là 1.701.976.000 đồng (Một tỷ, bảy trăm linh một triệu, chín trăm bảy mươi sáu nghìn đồng), 20 triệu/bước giá.

Quy chế quy định thời gian tổ chức cuộc đấu giá có ghi rõ: “Thời điểm bắt đầu là 14h, ngày 30/10, thời điểm kết thúc là 14h30 cùng ngày, phiên đấu diễn ra trên hệ thống đấu giá trực tuyến của công ty Đấu giá hợp danh Thành An. 

Tuy nhiên, một số khách hàng cho biết, khi phiên đấu diễn ra ở phút thứ 8 trở đi, họ ấn trả giá lên thì màn hình trên hệ thống đấu giá chỉ hiển thị về trạng thái theo dõi chứ không thao tác thêm được.

Từ phút thứ 8 của phiên đấu, một số khách hàng không thể ấn trả giá thêm được (Ảnh nhân vật cung cấp).
Từ phút thứ 8 của phiên đấu, một số khách hàng không thể ấn trả giá thêm được (Ảnh nhân vật cung cấp).

Là người tham gia phiên đấu và cũng trải qua tình trạng như trên, ông Triệu Đình Linh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư phát triển và Thương mại Phú Nguyên bày tỏ khó hiểu về thực trạng này.

Ông Linh cho biết: “Sau khi có một người bỏ giá chênh lên khoảng 200 triệu thì chúng tôi không trả giá thêm được. Dù tôi có ý định sẵn sàng đấu số tài sản nói trên ở mức từ 2,7 đến 3 tỷ đồng, nhưng cuối cùng người ta chỉ trả nhỉnh hơn 2 tỷ đã “sở hữu” được rồi. Các điều kiện cần như mạng wifi, 4G khi tham gia đấu giá, chúng tôi vẫn đảm bảo đường truyền tốt…”.

Dù thời gian đấu giá vẫn còn nhưng một số khách hàng cho biết không thể trả giá được (Hình ảnh nhân vật cung cấp).

Dù thời gian đấu giá vẫn còn nhưng một số khách hàng cho biết không thể trả giá được (Hình ảnh nhân vật cung cấp).

Vẫn theo lời ông Linh, dù cố gắng ấn trả giá lên 2.021.976.000 đồng vào các thời điểm 14h08, 14h13 và 14h29 nhưng đều không được. Trong khi đó, kết quả  đơn vị trúng đấu giá số tài sản trên là 2.001.976.000 đồng (giá trả vào 14h09). Đây là kết quả hiển thị công khai trên màn hình hệ thống lúc kết thúc cuộc đấu.

Thông báo hiển thị người trúng đấu giá sau khi cuộc đấu kết thúc (Ảnh nhân vật cung cấp).

Thông báo hiển thị người trúng đấu giá sau khi cuộc đấu kết thúc (Ảnh nhân vật cung cấp).

Tìm hiểu của PV được biết, khi thấy có sự bất thường về việc không thể trả giá, một vị khách đã quay video ghi lại. Theo đó, trên màn hình, wifi sóng full (đầy) vạch, ở thời điểm 14h08, mức giá cao nhất là 1.981.976.000 đồng, vị khách chọn tăng lên 2.001.976.000 đồng (tức tăng 20.000.000 đồng, đúng theo quy chế) rồi ấn nút trả giá nhưng lệnh không được xử lý.

Đến 14h10, giao diện cuộc đấu giá trực tuyến hiển thị giá cao nhất là 2.001.976.000 đồng. Vị khách trả giá 2.021.976.000 đồng khi thời gian hiển thị trên điện thoại là 14h12 nhưng màn hình vẫn “nhất quyết” không trả kết quả. Người này reset (cài đặt lại – PV) và vào lại nhiều lần, thay đổi mạng wifi sang 4G và ngược lại liên tục từ lúc này cho đến hết thời gian diễn ra cuộc đấu giá cũng không thể thao tác trả giá. Trong khi các thông báo từ Facebook, Zalo đến vẫn có thể nhận và trả lời được.

4h29, màn hình chiếc điện thoại hiển thị sóng 4G căng, giá cao nhất của cuộc đấu giá  không thay đổi là 2.001.976.000 đồng.

Kết thúc phiên đấu giá vào hồi 14h30, thông báo chúc mừng khách hàng mã số 9XX, mức giá trúng là 2.001.976.000 đồng, thời điểm trả giá 30/10/2023, thời gian 14h09’45. Như vậy, nếu theo video, buổi đấu giá có thời lượng 30 phút thì có tới hơn 20 phút, nhiều người không thể trả giá.

Cần có sự kiểm tra từ cơ quan chức năng

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân những vấn đề mà khách hàng phản ánh như đã nói ở trên, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với công ty Đấu giá hợp danh Thành An (địa chỉ: số 266 Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội). 

Ngày 23/11, tại buổi làm việc với PV, ông Đỗ Văn Chiểu, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Đấu giá hợp danh Thành An cho biết: “Chúng tôi đã nhận được kiến nghị của 2 khách hàng bao gồm 1 cá nhân và 1 công ty liên quan thông tin không thể thực hiện trả giá trong phiên đấu giá tài sản của công ty CP Vận tải sông biển Cần Thơ.

Sau đó, công ty Thành An tổ chức họp kiểm tra toàn bộ hệ thống, rà soát máy chủ, làm thử nghiệm đấu giả lập (cuộc đấu chạy thử trên hệ thống đấu giá của công ty - PV) nhưng không phát hiện lỗi; đồng thời, làm công văn phản hồi, gọi điện và đến trực tiếp phía doanh nghiệp có đơn thư phản ánh trên nhưng chưa được gặp đại diện doanh nghiệp.”

Ông Chiểu khẳng định thêm: “Phiên đấu giá tài sản của công ty CP Vận tải sông biển Cần Thơ được thực hiện đúng theo quy trình pháp luật quy định, là phiên đấu công khai, minh bạch, không gây thiệt hại cho chủ tài sản, các khách hàng cùng tham gia phiên đấu vẫn trả giá được bình thường. Kết thúc phiên đấu, chênh lệch so với giá khởi điểm là 300 triệu đồng.”

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm phân tích: “Theo như thông tin PV phản ánh, tôi nhận định, hai trường hợp có thể xảy ra là do trục trặc từ phần mềm, hệ thống đấu giá hoặc từ thiết bị của các đơn vị, cá nhân tham gia. Trên thực tế cũng đã từng có hiện tượng trên như trong phiên đấu giá biển số xe ô tô đẹp vừa qua; hay việc can thiệp vào hệ thống đấu giá, làm ảnh hưởng, sai lệch kết quả, gây thất thoát Ngân sách Nhà nước cũng như không đảm bảo được sự công bằng, minh bạch cho tất cả những cá nhân, đơn vị tham gia phiên đấu giá. 

Cần có sự kiểm tra nghiêm túc từ cơ quan chức năng đối với những trường hợp này để xử lý nghiêm và ngăn chặn sự manh nha vi phạm trong tương lai.”

Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm.

Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm.

“Đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận trong đấu giá tài sản có thể bị xử lý hành chính đến 300 triệu đồng hoặc bị xử lý hình sự (phạt tù) cao nhất lên đến 5 năm theo quy định tại điều 218, Bộ luật Hình sự 2015”, luật sư Phất thông tin thêm.

Đồng quan điểm với luật sư Phất, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá cho ý kiến: “Về sự việc này, tôi nghĩ có thể do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan đến từ đường truyền internet hoặc yếu tố con người. Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ vấn đề và xử lý nghiêm nếu có sai phạm xảy ra; thậm chí là phải huỷ kết quả và cho đấu giá lại từ đầu, xử phạt đấu giá viên, rút giấy phép kinh doanh của đơn vị tổ chức đấu giá vi phạm (nếu có)”.

Thạch Thảo - Thuận Nguyễn

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục