Công ty Cổ phần tập đoàn PC1 – Bài 2: Doanh thu lớn vẫn “ngập” nợ

Trúng thầu sát giá nhiều gói giá trị “khủng”, doanh thu tăng mạnh, tuy nhiên, nợ vay của công ty Cổ phần tập đoàn PC1 hiện đã vượt qua vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.


Doanh thu và lợi nhuận đáng “mơ ước”

Như đã phản ánh trong bài viết: “Công ty Cổ phần tập đoàn PC1 – Bài 1: “Trúng thầu cả nghìn tỷ, tiết kiệm được vài tỷ”, công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 đã tham gia 428 gói thầu, trong đó trúng 170 gói, tổng giá trị trúng thầu lên tới 9,5 nghìn tỷ đồng.

Đa số các gói thầu đã trúng ở ngành điện lực với giá trị hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng nhưng nhiều trong số đó có tỉ lệ tiết kiệm tượng trưng sát mức 0 đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (Mã chứng khoán: PC1) do ông Trịnh Văn Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Tuấn cũng là người đang sở hữu số lượng lớn cổ phiếu PC1.

Cụ thể, theo báo cáo giao dịch vào giữa tháng 11/2022, ông Trịnh Văn Tuấn nắm giữ tới gần 58 triệu cổ phiếu PC1, tương đương với tỉ lệ sở hữu 21,38% vốn.

Ngoài ra, người nhà của Chủ tịch Tập đoàn PC1 cũng sở hữu từ 18 đến hơn 5 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Tổng số cổ phiếu PC1 ông Trịnh Văn Tuấn và người nhà nắm giữ tính đến thời điểm báo cáo nêu là gần 63 triệu (tỉ lệ 23,27%).

Dưới sự chèo lái của vị Chủ tịch này, doanh thu và lợi nhuận của PC1 có được là con số mà nhiều doanh nghiệp “mơ ước” trong bối cảnh hiện nay.

Theo nghiên cứu tìm hiểu, trong giai đoạn từ năm 2018 – 2021, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của PC1 tăng gần gấp đôi, từ 5.084 tỷ đồng lên gần 10.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, tốc độ tăng của doanh thu trong năm gần nhất (năm 2021) của PC1 lên tới 47%, cao hơn nhiều so với mức tăng 14% - 15% của 2 năm liền trước.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 và 2021 duy trì trên 40%, trong khi năm 2019 âm 23%. Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần từ năm 2018 – 2021 phổ biến từ 7 - 8%.

Công ty Cổ phần tập đoàn PC1 – Bài 2: Doanh thu lớn vẫn “ngập” nợ - Ảnh 1

Tỷ suất lợi nhuận gộp biên của PC1 kể từ quý IV/2021 đến quý III/2022 thường xuyên duy trì trên 2 con số, đặc biệt là giai đoạn từ quý IV/2022 cho đến nửa đầu năm 2022, tỷ suất lợi nhuận gộp biên lên tới 24%.

Công ty Cổ phần tập đoàn PC1 – Bài 2: Doanh thu lớn vẫn “ngập” nợ - Ảnh 2

9 tháng đầu năm nay, mặc dù doanh thu và lợi nhuận của công ty suy giảm so với cùng kỳ, song theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch kinh doanh tháng 11 toàn Tập đoàn ngày 4/11 vừa qua, trong bối cảnh khó khăn chung, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ lực của PC1 vẫn duy trì tăng trưởng tốt. Đặc biệt, khối tổng thầu EPC có giá trị thực hiện 10 tháng tăng mạnh, doanh thu đạt 113% và sản lượng đạt 128% kế hoạch năm.

Nợ vay hiện đã vượt qua vốn chủ sở hữu

Được thành lập từ năm 1963 với hoạt động chính là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia, hiện nay, công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư năng lượng, đầu tư bất động sản, tư vấn và dịch vụ.

Cùng với sự mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, quy mô tài sản của PC1 ngày càng “khủng”. Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của PC1 đạt 21.277 tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quy mô tài sản của PC1 đã tăng tới 17 lần (từ 2012 đến tháng 9/2022).

Tuy nhiên, qua số liệu các năm gần đây cho thấy, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh.

Cụ thể, so với năm 2018, tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 9/2022 tăng 322,5%, thì quy mô nợ phải trả tăng tới gần 444%. Theo đó, tỷ trọng nợ phải trả trên tổng tài sản cũng tăng dần từ 50% (cuối năm 2018) đến 30/9/2022 là 69,2%.

Đặc biệt, tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhiều năm liền duy trì trên mức 100%, thậm chí cuối quý III vừa qua tỉ lệ này đã lên tới 225%.

Tương tự, nợ vay (gồm vay và thuê tài chính ngắn hạn và nợ vay và trái phiếu dài hạn) tăng tới 580,7%.

Vì vậy, tỉ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tăng vọt từ 60% (năm 2018) lên tới 175% (vào cuối tháng 9/2022) – tức là nợ vay hiện đã vượt qua vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần tập đoàn PC1 – Bài 2: Doanh thu lớn vẫn “ngập” nợ - Ảnh 3

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao như hiện nay.

Cũng phải nói thêm rằng, với tham vọng mở rộng kinh doanh của công ty khi liên tục đầu tư vào các dự án mới như khai thác khoáng sản và bất động sản, như vậy tỉ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2022-2023, gây áp lực lớn lên dòng tiền của doanh nghiệp này.

Thanh Phong

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục