Công ty Cảng Phước An tiếp tục báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023

Quý 2/2023, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An tiếp tục không có doanh thu, chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn tới lỗ 1,83 tỷ đồng.

Luỹ kế nửa đầu năm 2023, Cảng Phước An tiếp tục ghi nhận lỗ 3,1 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,4 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm 30/6/2023, Cảng Phước An ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 10,42 tỷ đồng và bằng 0,52% vốn điều lệ.

Đáng nói, tình trạng kinh doanh "không doanh thu" tại doanh nghiệp khai thác cảng này đã xuất hiện và kéo dài từ đầu năm 2017 (thời điểm công ty tăng vốn vượt mức 1.000 tỷ đồng) đến hiện tại. Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Cảng Phước An tăng 26,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 835,97 tỷ đồng, lên 4.002 tỷ đồng.

Quý 2/2023, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An tiếp tục không phát sinh doanh thu, chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn tới lỗ 1,83 tỷ đồng.
Quý 2/2023, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An tiếp tục không phát sinh doanh thu, chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn tới lỗ 1,83 tỷ đồng.

Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 3.299,4 tỷ đồng, chiếm 82,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 592,5 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng tài sản. 

Đối với các khoản phải thu, Cảng Phước An thuyết minh chủ yếu 377,9 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (đầu năm 72,8 tỷ đồng); 141,44 tỷ đồng Công ty Mitsui E&S Machinery Co., Ltd… Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý 2/2023, Công ty bắt đầu phát sinh nợ so với đầu năm không có nợ, tổng nợ vay tăng từ 0 tỷ đồng lên 774,6 tỷ đồng và bằng 19,4% tổng nguồn vốn. 

Cảng Phước An thuộc nhóm cảng biển số 5, là cảng tổng hợp quốc gia và đầu mối trong khu vực do Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) làm chủ đầu tư. Cảng có tổng diện tích 183ha, tổng chiều dài bến 3.050m. Chiều sâu mực nước trung bình -15 m, có 06 bến container đáp ứng tàu 60.000 DWT và 04 bến tổng hợp đáp ứng tàu 60.000 DWT. Công suất cảng 2,5 triệu TEU/năm; 6,5 triệu tấn/năm. Khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An với tổng diện tích lên đến 555,24 ha, được đánh giá là một lợi thế rất lớn so với các cảng khác trong khu vực, trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước. 

Lợi thế của khu dịch vụ cảng không chỉ hệ thống giao thông thuận tiện mà nối kết với QL51 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài ra, cảng còn kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt quốc gia Bắc - Nam.   

Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An được thành lập năm 2008. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%; và các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.

Bắt đầu từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước: Năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. 

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Cảng Phước An tiếp tục thông qua kế hoạch chào bán 38 triệu cổ phiếu riêng lẻ, giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng. 

Vì vậy, dù vẫn sở hữu 35 triệu cổ phiếu, nhưng tỷ lệ sở hữu của Petrovietnam sẽ giảm từ 79,54% về còn 14,71% vốn điều lệ của Công ty Cảng An Phước. Hiện tại, CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc của ông Trần Tuấn Lộc đã thay thế cho Tập đoàn Hoành Sơn trở thành cổ đông lớn nhất thông qua việc chuyển nhượng 60% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A. 

Sau khi ông Phạm Hoành Sơn và Tập đoàn Hoành Sơn rút lui khỏi Cảng Phước An để nhường chỗ cho Tuấn Lộc, Cảng Phước An đã bầu ông Nguyễn Thành Đạt trở thành Chủ tịch HĐQT từ ngày 25/11/2021. Được biết, ông Nguyễn Thành Đạt sinh năm 1987, ông là nhân sự quan trọng của liên quan của CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Ngoài ra, hiện tại ông Nguyễn Thành Đạt đang là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Phước Bình và Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A. 

Điểm đáng lưu ý, trong tháng 6/2022, Cảng Phước An đã lựa chọn Tuấn Lộc cho việc thi công hạng mục xây dựng các hợp đồng với giá trị khoảng 6.813 tỷ đồng. Ngoài việc là nhà thầu thi công các dự án của Cảng Phước An trị giá 6.813 tỷ đồng, Tuấn Lộc còn được Đồng Nai chấp thuận là nhà đầu tư dự án BOT đường 319 - Cảng Phước An dài 5,8 km với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. 

Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục