USD tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới là chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong thời gian gần đây trên nhiều thị trường tài chính thế giới. Và ở Việt nam cũng không ngoài xu hướng đó.
Những tranh luận trái chiều diễn ra gay gắt và ngày càng tăng trên các diễn đàn kinh tế cũng giống như đà tăng của USD. Và cho đến nay, hình thành hai trường phái rõ ràng về điều hành tỷ giá: (i) lập tức phá giá VNĐ để hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh giá trị theo xu hướng của nhiều nước trên thế giới; (ii) giữ tỷ giá, vì tỷ giá tăng 1%, lập tức nợ nước ngoài sẽ tăng (mà theo con số do vị đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra mới đây là tăng thêm 10.000 tỷ đồng – một con số không hề nhỏ), lợi của hoạt động xuất khẩu không bù đắp cho những thiệt hại.
Thật sự không dễ dàng cho NHNN khi đưa ra quyết định trước bối cảnh tình hình tài chính quốc tế luôn chứa đựng nhiều bất thường, mặc dù vẫn còn dư địa 1% trong cam kết về chính sách tỷ giá của Thống đốc. Vậy thời gian tới, NHNN sẽ phải phản ứng như thế nào trước sự bất định của “cuộc chiến tiền tệ” giữa các nước lớn? Tăng hay không tăng tỷ giá? Tăng trong biên độ và điều chỉnh phù hợp với tình hình tài chính quốc tế hay chỉ làm theo đúng cam kết?
Và đến chiều ngày 25/3, NHNN cũng đã chính thức lên tiếng về quyết định điều hành tỷ giá ổn định. Một động thái được đánh giá là chủ động và đúng đắn giúp định hướng thị trường ngoại hối trong thời gian tới. Cũng theo NHNN, các diễn biến tăng của tỷ giá thời gian gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới.
Đến lúc này, một câu hỏi được đặt ra, vậy điều gì đã giúp NHNN vững tin về điều hành chính sách tỷ giá của mình? Trong khi quyết định này lại trái ngược phần lớn những dư luận của nhiều chuyên gia trên các diễn đàn kinh tế?
Tất nhiên, mọi quyết định đều có cơ sở của nó. Cơ sở đó nằm ở câu hỏi “Đích cuối cùng của điều chỉnh tỷ giá là gì?” và chắc chắn một điều để giải quyết câu hỏi trên thì số liệu là điều không thể không quan tâm.
Theo kết quả của một nghiên cứu, các quyết định điều hành trong công cụ chính sách tiền tệ sẽ được truyền dẫn và tác động đến các biến số kinh tế vĩ mô, các thị trườngvới tốc độ và cường độ khác nhau. Trong đó, các kênh truyền dẫn lần lượt là: kênh tín dụng, kênh lãi suất, kênh giá tài sản và kênh tỷ giá.
Bốn kênh truyền dẫn đều tác động đến tổng cầu, sản lượng và cuối cùng giúp tạo ra thông số của sự ổn định tài chính. Riêng kênh tỷ giá có sự tác động đến 2 biến số: (i) tổng cầu, sản lượng; (ii) giá nhập khẩu. Và hai biến số này đều gây áp lực đến lạm phát trong nước – một trong yếu tố quan trọng đo lường sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Ở điều ngược lại, nếu một trong hai biến số (tổng cầu và giá nhập khẩu) hoặc cả hai biến số có sự thay đổi thì lập tức điều chỉnh công cụ chính sách nhằm duy trì sự ổn định vĩ mô.
Nguồn: Bank of England
Vậy, tỷ giá VND/USD cần phải làm gì?
Thứ nhất, chắc chắn VND/USD phải phụ thuộc vào sự ổn định của tổng cầu và giá nhập khẩu.Cho đến nay hai biến số này có gì thay đổi đột biến để gây đến sự bất ổn?Tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu chính phủ, xuất khẩu và nhập khẩu, điều gì đang bất ổn?
Thứ hai, đích đến cuối cùng của vấn đề điều chỉnh tỷ giá VND/USD không phải nằm ở chỗ chuyện thiệt hay hại của điều chỉnh tỷ giá hay không điều chỉnh. Tất cả phải duy trì tính ổn định trong kinh tế vĩ mô và niềm tin của người dân với VND. Nếu biến số tổng cầu và giá nhập khẩu có thay đổi lớn thì chắc chắn không thể không can thiệp tỷ giá. Và hiện nay, dư địa điều chỉnh tỷ giá của NHNN vẫn còn 1%.
Thứ ba, tỷ giá điều chỉnh với sự lợi của xuất khẩu, hại của nhập khẩu (Việt Nam đang quay lại hiện tượng nhập siêu với gần 70% giá trị từ khối FDI) và câu chuyện nợ nước ngoài. Có một điều chắc chắn, lợi cho xuất khẩu không thể đánh đổi với tính ổn định kinh tế vĩ mô (chưa kể, yếu tố mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam rất khác so với nhiều nước đang điều chỉnh tỷ giá). Suy cho cùng, xuất khẩu cũng chỉ là một trong các yếu tố của tổng cầu.
Thứ tư, các yếu tố hỗ trợ đắc lực cho chính sách neo tỷ giá linh hoạt của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát về số lượng như kiều hối, dự trữ ngoại hối (36 tỷ USD, khối tài sản này đã gia tăng theo giá trị của đồng USD), dòng vốn FDI giải ngân…Đây sẽ là chỗ dựa vững chắc cho chính sách tỷ giá của NHNN.
Thứ năm, nếu có sự bất ổn trong tổng cầu của kinh tế Việt Nam thì còn những công cụ khác để bình ổn chứ không riêng gì kênh tỷ giá.
Thứ sáu, NHNN luôn phải giám sát tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và xu hướng của thị trường tài chính thế giớiđể kịp thời đưa ra những quyết sách chủ động lẫn đúng đắn. Nên nhớ, số liệu tin cậy và minh bạch thông tin sẽ giúp NHNN tạo niềm tin vững chắc cho thị trường.
Và cuối cùng, theo quan điểm riêng của tác giả, sự điều chỉnh tỷ giá phải dựa tính toán trên cơ sở ổn định của tổng cầu, sản lượng và nhu cầu nhập khẩu, chưa kể yếu tố lạm phát. Nếu có sự bất ổn trong kinh tế vĩ mô thì nhất quyết điều chỉnh (NHNN vẫn còn dư địa, và cam kết vẫn chỉ là cam kết, sự ổn định tài chính phải đặt lên trên hết). Đồng thời, phải kết hợp thêm những kênh truyền dẫn hữu hiệu khác cùng trợ lực như kênh lãi suất và kênh tín dụng.
Theo Infonet