Văn bản của HNX cho biết VNZ đã chậm nộp BCTC bán niên 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định.
Kể từ hôm nay, ngày 25/10/2023, VNZ sẽ bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào ngày thứ 6 hàng tuần.
Đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch. Trước đó, hồi tháng 5, VNZ cũng đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022. Chỉ sau 10 ngày, cổ phiếu này đã thoát diện hạn chế giao dịch sau khi nộp BCTC kiểm toán 2022.
Cổ phiếu VNZ từng là tâm điểm chú ý khi liên tiếp tăng trần sau khi niêm yết giao dịch trên UPCoM, đưa thị giá lên mức đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thời điểm, giá cổ phiếu này tăng lên hơn 1,3 triệu đồng/cổ phiếu.
Theo BCTC tự lập, luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 4.098 tỷ doanh thu - tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái. Khấu trừ chi phí, VNG lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng sau 6 tháng, cải thiện đáng kể với khoản lỗ gần 510 tỷ đồng cùng kỳ. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 60 tỷ.
Tháng 8 vừa qua, VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Cổ đông chi phối VNG dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.
Đây là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman (Cayman Islands), đồng thời là cổ đông lớn nhất của VNG. Tổ chức này có hai cá nhân liên quan là người nội bộ tại VNG gồm Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh (sở hữu 12,27% vốn) và Phó tổng giám đốc thường trực Vương Quang Khải (sở hữu 4,99% vốn).
Kết phiên sáng 25/10, cổ phiếu VNZ đang giao dịch ở mức 802.000 đồng/cp. Vẫn rất cao so với các cổ phiếu khác trên thị trường chứng khoán. Trước đó, trong phiên giao dịch 24/10, cổ phiếu này đã rớt mạnh 14,9 điểm.