Cổ phiếu thép tiếp tục bị bán mạnh, VN-Index mất 16 điểm

HPG của “vua thép” Hoà Phát tiếp tục sụt giảm về mức 29.400 đồng/CP, thiết lập mức đáy trong hơn một năm qua.

Thị trường chứng khoán phiên ngày 15/6 diễn biến xấu cùng với diễn biến của thị trường quốc tế. Hàng loạt nhóm ngành lại tiếp tục bị bán mạnh như thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

Trước khi quay đầu “lao dốc", thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 15/6 với việc các chỉ số tăng điểm nhẹ trước sự nâng đỡ của một số cổ phiếu vốn hoá lớn. Trong đó, nhiều mã tăng điểm kéo chỉ số như MSN, FPT, HPG, SSI, VPB… Chỉ 15 phút sau khi mở cửa ATO, VN-Index tăng 2,44 điểm lên 1.232,75 điểm khiến nhà đầu tư kỳ vọng phiên giao dịch bứt phá. 

Và đó cũng là khoảng thời gian duy nhất trong ngày chứng khoán VN-Index tăng điểm. Tất cả bỗng nhiên điều chỉnh giảm trở lại và chỉ số có dấu hiệu đi xuống.

Hàng loạt các cổ phiếu dần chiếm sắc đỏ. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 12,3 điểm. Sang đến phiên chiều, áp lực bán dâng cao và dòng tiền bắt đáy đã không xuất hiện. Tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra yếu ớt khiến thị trường không có điểm sáng suốt cả phiên giao dịch, các chỉ số dần tụt lùi với bên bán chiếm ưu thế.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 16,38 điểm, tương ứng 1,33% xuống 1.213,93 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 373 mã giảm và 34 mã đứng giá. HNX-Index giảm 6,83 điểm, tương ứng 2,35% xuống 283,25 điểm. Toàn sàn có 37 mã tăng, 172 mã giảm và 37 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,97 điểm, tương ứng 2,17% xuống 88,65 điểm. Nhóm VN30 giảm điểm song mức giảm ít hơn thị trường chung. Chỉ số đại diện nhóm này giảm 8 điểm, tuy vẫn có 22 mã đỏ lửa.

Cổ phiếu thép giảm mạnh. (Ảnh: FireAnt)

Cổ phiếu thép giảm mạnh. (Ảnh: FireAnt)

GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi giảm kịch sàn. Theo sau là mã HPG của “Vua thép" Hòa Phát. HPG lại thiết lập đáy mới một năm trở lại đây khi giảm về mốc 29.400 đồng/cổ phiếu. Mã này được sang tay mạnh với 28,7 triệu cổ phiếu. Nhóm thép diễn biến cũng không khả quan khi HSG, NKG giảm sàn, POM giảm 4,4%, TLH giảm 0,8%...

Nhóm dầu khí có 2 đại diện trong danh sách tác động tiêu cực đến thị trường là GAS và PLX. Trong đó, GAS giảm 1,59% còn PLX giảm 4,8%. Các mã khác thuộc nhóm dầu khí cũng chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu “họ P" không có mã nào giữ sắc xanh. Cổ phiếu ngành năng lượng cũng bị điều chỉnh mạnh. Nhóm điện ghi nhận POW mất 4,9%, BCG lao dốc 5,8%, NT2 quay đầu giảm 3,1%, PGV giảm 2,1%.

Cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tiêu cực với một số mã giảm rất sâu như KLB lao dốc 6,1%, LPB sụt 5,7% về sát giá sàn, CTG mất 3% giá trị hay OCB giảm 2,6%. Hai mã MBB, VCB nằm trong top những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới chỉ số chung.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng lại có một phiên diễn biến xấu. DIG, HQC, QCG, NVT, HBC, DXG, FCN, DC4, VCG... đều kết phiên trong giá sàn. Một số mã vốn hóa lớn trong ngành cũng chìm trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến xấu khi SSI và VND đồng loạt giảm sàn. Các mã khác thuộc nhóm này như FTS, APG, BSI, ARG cũng diễn biến xấu khi chuyển màu xanh lơ của giá sàn. Các mã cổ phiếu chứng khoán thời gian vừa rồi đã diễn biến giảm mạnh theo đà giảm chung của chỉ số chứng khoán.

Nhiều mã nằm sàn phiên 15/6. (Ảnh: SSI)

Nhiều mã nằm sàn phiên 15/6. (Ảnh: SSI)

Cổ phiếu đầu cơ "họ FLC" tiếp tục giảm sàn. FLC hiện chỉ còn 4.100 đồng/cổ phiếu và quay về thị giá hồi tháng 10/2020. HAI và ROS - 2 mã bị cấm giao dịch phiên sáng tương tự FLC cũng giảm sàn. Mã TGG của Louis Holdings giảm sàn. HQC, FCN, LDG, HAX… cũng diễn biến tương tự.

Ngược lại, vẫn có một số nhóm ngành bứt phá ngược đà rơi của thị trường như bán lẻ hay thủy sản. Cổ phiếu thủy sản cũng diễn biến tốt với đầu kéo là ANV của Navico tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 58.400 đồng/cổ phiếu sau thông tin nâng chỉ tiêu lợi nhuận. Theo đó VHC của Vĩnh Hoàn cũng tăng 2%, IDI có thêm 2,2% hay MPC tiến lên 1,5%. Tại nhóm bán lẻ, MWG tăng 2,9%, FRT tăng 1,56%, PNJ tăng 1,7%, DGW cũng tăng 2,4%.

Khối ngoại trong ngày 15/6 giải ngân 1.587 tỷ đồng song lại bán ra 1.769 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại đã bán ròng 182 tỷ đồng. DCG là mã bị bán mạnh nhất với gần 89 tỷ đồng, VNM bán 78 tỷ đồng, VND bán 75,2 tỷ đồng, VIC 53 tỷ đồng… Ngược lại, một số mã được mua mạnh là VHC với 37 tỷ đồng, HPG 31 tỷ đồng, VGC 33,2 tỷ đồng, NLG 30,5 tỷ đồng…

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.916 tỷ đồng, tăng 9,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 12,5% lên 14.784 tỷ đồng. Riêng nhóm VN30 thanh khoản đạt gần 6.500 tỷ đồng.

Trần Thu Thảo

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục