Cổ phiếu SHB được chấp nhận niêm yết giữa lúc HOSE đang bị nghẽn lệnh chứng khoán
Cuối tháng 9/2020, Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE: SHB) cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Mới đây, trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên, SHB vừa nhận được công văn của HOSE chấp thuận nguyên tắc việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Thông tin công bố cho hay việc tổ chức giao dịch chính thức đối với cổ phiếu SHB tại HOSE sẽ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE.
Hiện cổ phiếu SHB đang giao dịch trên sàn HNX, đóng cửa phiên gần nhất 20/4, thị giá cổ phiếu dừng lại ở mức 27.500 đồng/cp, tăng gần 60% so với đầu năm 2021 và nằm ở vùng cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này.
Hiện nay, số tài khoản mở mới tăng đột biến, tiền vào thị trường nhanh hơn, số lệnh nhiều hơn. Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE liên tiếp xảy ra. Sau gần 4 tháng sống chung với sự cố giao dịch trên sàn HOSE, đến nay các nhà đầu tư đang phải tập làm quen với trạng thái bình thường mới: lệnh không thể khớp và hiện đúng kết quả trên bảng điện, ngay từ phiên sáng.
Giới tài chính chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến HOSE bị nghẽn lệnh do năm 2020 và đầu năm 2021 đã đón nhận khá nhiều tân binh với khối lượng giao dịch lớn như: Ngân hàng Á Châu (ACB) niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu; LienVietPostbank với 1,07 tỷ cổ phiếu (LPB); Ngân hàng VIB gần 1,08 tỷ cổ phiếu; MSB gần 1,18 tỷ cổ phiếu; Seabank với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu (SSB); OCB cũng đưa 1,1 tỷ cổ phiếu vào giao dịch trên sàn HOSE.
HOSE cũng được bổ sung một lượng lớn cổ phiếu từ các công ty khác như Vinaconex (VCG) gần 442 triệu cổ phiếu; gần 128 triệu cổ phiếu Chứng khoán VIX, gần 42 triệu cổ phiếu Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) hay 32 triệu cổ phiếu Đầu tư BKG Việt Nam (BKG); Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIG) với 130 triệu cổ phiếu;…và mới đây SHB cũng đã đủ điều kiện để niêm yết trên HOSE.
Các doanh nghiệp và ngân hàng này có vốn hoá lớn và khối lượng giao dịch cao mỗi phiên do đó rất dễ gây áp lực lên hệ thống của HOSE nếu như không có giải pháp giãn lại. Sắp tới, nguồn cung cổ phiếu trên HOSE có lẽ chưa dừng lại.
Trước tình hình nghẽn lệnh, HOSE đã có công văn của UBCKNN về giải pháp giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE.
Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết trong giai đoạn này có thể lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cho HNX. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký niêm yết cổ phiếu mới hoặc chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE thì HOSE thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Để khắc phục sự ‘nghẽn lệnh’, cuối tháng 12/2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát hệ thống, đưa ra phương án khả thi và áp dụng một số giải pháp hành chính như nâng lô từ 10 lên 100 và có công văn khuyến nghị công ty niêm yết chuyển niêm yết sang Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). "Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ là tạm thời", bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Phát triển thị trường, UBCKNN nhấn mạnh.
Theo đó, giải pháp căn cơ triệt để xử lý nghẽn mạng là sử dụng hệ thống của Hàn Quốc. UBCKNN kỳ vọng nếu không phát sinh lỗi phức tạp, cuối năm nay hệ thống mới sẽ được áp dụng vào thị trường.
Tuy nhiên, mốc thời gian cuối năm thực sự là quãng đường khá dài. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với FPT để triển khai giải pháp về mặt kỹ thuật tạm thời. Giải pháp này có thể xử lý được khoảng 3 đến 5 triệu lệnh một ngày. Thời gian dự kiến triển khai hệ thống khoảng 3 đến 4 tháng.
SHB đang làm ăn ra sao?
Năm 2020, SHB dành đến 4.569 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng vọt 90% so với năm trước, chính khoản trích lập này đã "ăn mòn" hơn 50% lợi nhuận thuần (7.908 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế tại SHB đạt 3.268 tỷ đồng và 2.607 tỷ đồng, đều tăng nhẹ 8%.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm của SHB âm đến 6.071 tỷ đồng, trong khi năm trước dương đến 15.978 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng chi phí lãi và các khoản chi phí đã trả tương tự, tăng tiền chi cho nhân viên, tăng các khoản tiền gửi và cho vay TCTD khác, giảm các khoản tiền gửi, tiền vay TCTD khác.
Tính đến 31/12/2020, nợ xấu nội bảng tại SHB tăng 11% so với đầu năm, lên mức gần 5.599 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 34%, xuống còn 704 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ nghi ngờ lại tăng vọt 138%, lên mức gần 1.093 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 8%, lên mức gần 3.802 tỷ đồng. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,91% xuống còn 1,83%.
Tại thời điểm cuối năm 2020, SHB chưa hết nợ xấu tại VAMC. Nhà băng này vẫn còn nắm giữ 4.247 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Hiện tại, SHB cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu và UBCKNN đã có văn bản chấp thuận phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Ngay sau Đại hội đồng cổ đông, SHB sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và thực hiện thủ tục chia cổ tức theo quy định. Dự kiến thời gian thực hiện trong tháng 5/2021. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức hơn 19.260 tỷ đồng.
Tiếp tục, dự kiến trong quý 3/2021, ngân hàng sẽ chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5%, qua đó tăng vốn lên hơn 21.282 tỷ đồng.
Ngoài ra, SHB cũng dự định cháo bán gần 540 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 100:28) cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 12.500 đồng/cp, thấp hơn 54% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu SHB.
Số cổ phần phát hành cho cổ động hiện hữu được tự do chuyển nhượng. Thời gian phát hành dự kiến cũng trong quý 3/2021 hoặc cho đến khi SHB hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng tối đa lên hơn 26.674 tỷ đồng, tăng 52,3% so với hiện tại.
Năm 2021, mục tiêu lợi nhuận trước thuế tại SHB đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2020. Tuy nhiên, nếu việc chào bán hoàn thành trong quý 4/2021, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay ước đạt 5.828 tỷ đồng, tức tăng 78% so với năm trước.
Tổng tài sản tính đến thời điểm 31/12/2021 ước đạt 460.214 tỷ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng ước tăng 14% lên 361.003 tỷ đồng. Quy mô huy động vốn ước tăng 15% lên 388.549 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 2%.
SHTT/VnFiance
In bài viết