Kết thúc năm 2024, GKM của Công ty CP GKM Holdings là cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường khi mất 86,94% giá trị. Đáng chú ý, đợt giảm giá của cổ phiếu GKM diễn ra trong 3 tháng cuối năm, sau khi doanh nghiệp công bố Nghị quyết lấy ý kiến về phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 24 tháng.
Tính theo giá đóng cửa phiên 31/12/2024 là 4.700 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của GKM Holdings chỉ còn hơn 147 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, Công ty CP Chứng khoán APG (HoSE: APG) là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp, nắm giữ hơn 16 triệu cổ phiếu GKM, tương ứng 16,08% vốn.
Theo tìm hiểu, Chứng khoán APG lần đầu trở thành cổ đông lớn của GKM Holdings khi mua thêm gần 650.000 cổ phiếu vào ngày 27/8/2021, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,1% vốn. Sau đó, cổ đông này dần tăng sở hữu lên 4,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 20% vốn vào tháng 1/2022 nhưng lại thoái hết vốn chỉ sau 2 tháng (ngày 3/3/2022).
Đến tháng tiếp theo, Chứng khoán APG lần thứ hai trở thành cổ đông lớn khi mua mới 1,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,3% vốn. Tương tự, Chứng khoán APG tiếp tục nâng sở hữu lên mức 19,3% vốn vào ngày 17/10/2023, rồi dần bán ra, hạ tỷ lệ về dưới 5% vào ngày 10/11/2023.
Sau đó, Chứng khoán APG lại mua thêm cổ phiếu và nâng tỷ lệ sở hữu lên 19,1% vào cuối năm 2023. Điểm khác biệt là lần này, cổ đông lớn chỉ giảm sở hữu xuống mức 10,3% vào ngày 29/3/2024, rồi quay lại tăng sở hữu lên 16,08% vào ngày 13/6 và duy trì đến nay.
Tuy nhiên, trong động thái mới nhất, Chứng khoán APG vừa đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu GKM từ ngày 25/12/2024 đến ngày 23/1/2025. Đáng nói, cổ phiếu APG của công ty chứng khoán này cũng là một trong số 10 mã cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE năm vừa qua.
Xếp thứ hai toàn thị trường là cổ phiếu RDP của Công ty CP Rạng Đông Holding với mức giảm 85,91%. Nguyên nhân chính khiến cổ phiếu RDP trượt dài trong năm vừa qua là do doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ liên tục và tình hình tài chính ở mức báo động.
Từ ngày 19/11/2024 đến nay, cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch do chưa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 và báo cáo tài chính quý III/2024. Trước khi bị đình chỉ giao dịch, giá cổ phiếu RDP chỉ còn 1.310 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa doanh nghiệp hơn 64 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ ba là cổ phiếu DFF của Ctông ty P Tập đoàn Đua Fat với đà giảm 82,47%. Năm qua, DFF từng lập kỷ lục với 27 phiên giảm sàn liên tiếp. Đợt giảm giá này khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp.
Kết quả kinh doanh kém khả quan đã phản ánh trực tiếp vào giá cổ phiếu. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, Đua Fat lỗ hơn 188 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế đến cuối quý III lên gần 288 tỷ đồng.
Xếp thứ tư là cổ phiếu LTG của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời với mức giảm 70,99%. Hiện tại, cổ phiếu LTG đang bị hạn chế giao dịch. Tính theo mức giá 7.600 đồng/cổ phiếu vào phiên cuối năm 2024, vốn hóa của Lộc Trời chỉ còn hơn 766 tỷ đồng.
Trong năm 2024, tập đoàn này liên tục gặp sóng gió khi cựu Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận bị doanh nghiệp cáo buộc hành vi “gian dối, gây thất thoát tài sản công ty.” Ông Thuận bị miễn nhiệm vào ngày 15/7/2024. Đến ngày 16/10/2024, công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Hoàng – kế toán trưởng – lên vị trí Tổng giám đốc.
Ở vị trí thứ năm là cổ phiếu FIR của Công ty CP Địa ốc First Real. Mất 70,26% giá trị so với đầu năm, đây là mã giảm mạnh nhất sàn HoSE năm 2024. Tính theo mức giá 5.800 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Địa ốc First Real chỉ còn hơn 372 tỷ đồng.
Trong năm tài chính 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024), Địa ốc First Real chỉ lãi ròng gần 224 triệu đồng, giảm mạnh so với mức lãi hơn 19 tỷ đồng cùng kỳ. Nguyên nhân chính là doanh thu tài chính của doanh nghiệp chỉ đạt 43 triệu đồng, quá thấp so với con số gần 17 tỷ đồng của năm 2023.
Đứng thứ sáu là cổ phiếu KPF của Công ty CP Đầu tư tài sản Koji với mức giảm 69,83%. Tính theo mức giá 1.620 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của doanh nghiệp chỉ còn hơn 98 tỷ đồng.
Diễn biến tiêu cực của cổ phiếu phản ánh kết quả kinh doanh lao dốc. Trong quý III/2024, công ty lỗ ròng hơn 283 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 24 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 324 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2024, Đầu tư tài sản Koji ghi nhậnhận lỗ lũy kế gần 142 tỷ đồng.
Các vị trí còn lại trong top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn chứng khoán lần lượt thuộc về LMH (-68,97%), PSH (-68,74%), CEN (-64,91%), và ITA (-63,62%). Ngoài PSH, các cổ phiếu LMH, CEN, và ITA đều bị hạn chế giao dịch. Kết quả kinh doanh kém sắc của doanh nghiệp cũng như tình hình tài chính ở mức báo động được cho là nguyên nhân chính khiến các cổ phiếu trên lao dốc mạnh trong năm qua.
Vietnamfinance
In bài viết