Cổ phiếu L61 của Lilama 69-1 bị vào diện kiểm soát do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp

Lilama 69-1 (L61) ghi nhận lỗ lũy kế 97,4 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu chỉ gần 76 tỷ đồng.

Tin tức cổ phiếu L61 mới nhất trên báo Đại đoàn kết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây có thông báo, cổ phiếu L61 của CTCP Lilama 69-1 sẽ bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 24/8/2023. Nguyên nhân là do theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, tổng lỗ lũy kế của L61 tại ngày 31/6/2023 vượt vốn điều lệ thực góp của doanh nghiệp.

Cụ thể, L61 lỗ lũy kế 97,4 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu ghi nhận gần 76 tỷ đồng.

Lilama 69-1 lỗ lũy kế vượt vốn góp điều lệ thực góp của doanh nghiệp.
Lilama 69-1 lỗ lũy kế vượt vốn góp điều lệ thực góp của doanh nghiệp.

Trước đó, cổ phiếu L61 đã bị đưa vào diện cảnh báo theo quyết định ngày 4/4/2023 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 là số âm và phải nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Ngoài ra, L61 còn bị HNX đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin) là vì “tổ chức kiểm toán có ý kiến không phải là chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính bán niên 2023” và “lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính bán niên 2023 là số âm”.

Doanh nghiệp nhận được ý kiến từ chối kết luận do có tổng số nợ phải trả quá hạn gần 532 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6 tháng 27 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 234 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các khoản vay, nợ quá hạn đã bị các ngân hàng khởi kiện ra tòa án, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo và các tài sản khác để thu hồi nợ. Các yếu tố này dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của L61, nhưng báo cáo tài chính bán niên vẫn trình bày trên cơ sở giả định khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Giá trị khối lượng dở dang của các công trình và giá vốn cũng chưa có đủ các bằng chứng phù hợp để tổ chức kiểm toán có thể xác định.

Trước những ý kiến kiểm toán đưa ra, L61 cho biết trong nửa đầu năm do ảnh hưởng bởi nghị định ngày 5/11/2022 về quản lý thuế với doanh nghiệp liên kết, L61 bị tính khoản lãi chậm nộp từ 2017 đến hết năm 2020.

Cùng với đó, do ảnh hưởng từ COVID-19 kéo dài, dẫn đến các dự án/công trình bị chậm tiến độ quyết toán, nghiệm thu, bạn giao đưa vào sử dụng, qua đó một số dự án lớn bị dừng thực hiện. Ảnh hưởng chung của nền kinh tế dẫn đến công nợ phải thu bị chậm thanh toán, làm cho L61 bị chậm thanh toán do không thể thu hồi công nợ.

Từ ngày 1/8/2022, các tổ chức tín dụng đã dừng cấp vốn cho L61 nên Doanh nghiệp không thể hoàn thành đúng tiến độ các dự án, công trình đang thi công, dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ, theo tạp chí Người đưa tin pháp luật.

 

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục