DHC: CSI khuyến nghị mua
Giá nguyên vật liệu hạ nhiệt, giá bán Tesliner và Medium có thể tăng giúp tăng biên lợi nhuận của Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (HoSE: DHC). Nguyên vật liệu trong sản xuất sản phẩm giấy Kraft chiếm tỷ trọng lên tới 70% trong cấu thành giá vốn, trong đó thành phần chính là nguyên liệu giấy phế liệu OCC. Do vậy, biến động giá OCC sẽ ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận của DHC. Từ quý IV năm 2022, giá OCC đã giảm khá sâu, OCC Châu Âu giảm từ 233 USD tại quý II/2022 về 163 USD (giảm 30,4%) trong quý IV/2022. Giá OCC có xu hướng đi ngang ổn định trong năm 2023 quanh 150 USD. Giá bán Tesliner và Medium cũng được dự báo khởi sắc trở lại bắt đầu từ giai đoạn T10/2023. Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) kỳ vọng biên lợi nhuận gộp DHC sẽ cải thiện về mức 19% trong năm 2024 nhờ nhu cầu giấy tăng trở lại và chi phí nguyên vật liệu ổn định.
Trong dài hạn, nhu cầu về giấy tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 2 chữ số đạt từ 14-18% trong 5-10 năm tới. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp (42% tính đến T9/2023), còn cách khá xa tỷ lệ đô thị hóa mục tiêu đạt 50% vào năm 2030. Đồng thời kỳ vọng từ sự phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu, dòng vốn FDI tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Từ đó, nhu cầu về giấy bao bì cũng sẽ tăng cao trở lại.
DHC vẫn còn khả năng gia tăng công suất và phát triển sản phẩm Kraftliner nhờ dự án Giao Long 3. Mặc dù thị trường giấy Kraft cạnh tranh khá gay gắt, công suất dư thừa đến 2 triệu tấn, song Đông Hải Bến Tre vẫn khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường. DHC chiếm đến 6% thị phần, các nhà máy giấy của DHC cũng hoạt động vượt công suất. Thị trường đang dư thừa công suất tuy nhiên những sản phẩm Kraftliner chất lượng cao vẫn phải nhập khẩu. Dự án Đông Hải Bến Tre ưu tiên hướng đến sản xuất những sản phẩm giấy Kraft chất lượng cao.
CSI đưa ra khuyến nghị mua đối với DHC. Theo đó, sử dụng 2 phương pháp so sánh FCFF và P/E với tỷ lệ lần lượt là 60% và 40%, CSI đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu DHC ở mức 56.300 đồng/cổ phiếu tại thời điểm cuối năm 2024.
FCN: TCBS khuyến nghị chờ mua
Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) khuyến nghị chờ mua đối với FCN của Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN). Theo TCBS, giải ngân đầu tư công tiếp tục được Chính phủ đẩy mạnh trong tháng 11 (tăng 48% so với cùng kỳ) và tháng 12 (tăng 34% so với cùng kỳ).
Theo đó trong tháng 12/2023 vừa qua, FCN đã trúng nhiều gói thầu mới với tổng giá trị hơn 3.300 tỷ đồng, nâng tổng giá trị hợp đồng backlog lên 6.500 tỷ đồng. Các gói thầu lớn đáng chú ý bao gồm: Xây dựng hạ tầng Dự án đầu tư Khu bến Phoenix – Cảng Vũng Áng (1.000 tỷ đồng), Xây dựng dân dụng các trụ sở cơ quan hành chính (1.000 tỷ đồng)… Những tín hiệu khả quan này cũng sẽ phần nào giải quyết khó khăn về tình hình tài chính hiện tại của công ty.
PVT: TCBS khuyến nghị chờ mua
TCBS khuyến nghị chờ mua cho PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT). Doanh thu thuần và LNST 2023 của PVT ước đạt lần lượt 9.600 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và 1.172 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ). Trong đó, lợi nhuận từ HĐKD cốt lõi tăng trưởng 20% nhờ mặt bằng giá cước ở mức cao và đóng góp của các tàu mới đưa vào khai thác. Triển vọng 2024 khả quan khi công ty có kế hoạch tiếp tục mở rộng đội tàu (dự kiến thêm 15% công suất). Bên cạnh đó, căng thẳng tại Biển Đỏ trong thời gian gần đây sẽ có những tác động tích cực đối với giá cước vận tải.
VietnamFinance
In bài viết