Cổ phiếu khoáng sản dậy sóng sau phát hiện 110 mỏ quý

Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 2/4, đa số cổ phiếu khoáng sản tăng mạnh, trong đó KSV, BKC, FCM tăng hết biên độ.

Giao dịch cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV sôi động ngay từ đầu phiên ngày 2/4. Cổ phiếu khoáng sản này tăng lên giá trần từ sau 9h. Đến 10h10, KSV tăng trần (10%) với khối lượng khớp lệnh 103.000 cp, trong đó giá trần chiếm một nửa. Cổ phiếu trắng bên bán, dư mua trần gần 45.000 cp.

Tương tự, cổ phiếu BKC của Khoáng sản Bắc Kạn cũng đang tăng trần (10%). Khối lượng khớp lệnh đến 10h10 của cổ phiếu khoáng sản này đạt hơn 117.000 cp, trong đó giá trần chiếm hơn 92%.

Một cổ phiếu khoáng sản khác tăng trần là FCM của Khoáng sản Fecon (tăng 7%). FCM trắng bên bán, dư mua giá trần gần 170.000 cp.

Điểm chung của các cổ phiếu khoáng sản KSV, BKC và FCM là đã tăng trần phiên trước đó, đồng nghĩa với việc bộ ba cổ phiếu  hai phiên trần liên tiếp trong đầu tháng 4.

Cổ phiếu khoáng sản dậy sóng sau phát hiện 110 mỏ quý - Ảnh 1

Đà khởi sắc lan toả đến nhiều cổ phiếu khoáng sản khác như MTA, KCB, BMC, trong đó MTA và KCB tăng tốt nhất với 12% và 6,76%.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản có diễn biến khởi sắc sau thông tin về trữ lượng vàng mới được phát hiện tại Việt Nam.

Sau gần 8 năm triển khai, Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc” (Đề án Tây Bắc) đã hoàn thành với kết quả quan trọng.

Bản đồ địa chất - khoáng sản đã bao phủ diện tích 13.381 km², giúp xác định 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại quý hiếm và quan trọng. Trong số đó, đáng chú ý nhất là 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 đạt hơn 29,8 tấn.

Ngoài ra, có 5 mỏ đồng với tổng tài nguyên hơn 13.000 tấn kim loại đồng. Đặc biệt, tại một mỏ đồng ở Lào Cai, các nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm hơn 420 kg vàng đi kèm.

Bên cạnh việc phát hiện các mỏ khoáng sản có giá trị, đề án còn giúp xây dựng hệ thống dữ liệu địa chất - khoáng sản hiện đại, giúp quản lý, tra cứu và chia sẻ thông tin một cách minh bạch.

Kết quả của đề án cũng đã được tích hợp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này tạo điều kiện cho các địa phương có cơ sở khoa học để thăm dò, khai thác hợp lý cũng như quản lý tài nguyên hiệu quả hơn.

Như Hằng

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục