Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra văn bản gửi một loạt công ty có niêm yết cổ phiếu trên HoSE, đề nghị các công ty này giải trình việc cổ phiếu đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 4-10/11/2022.
Căn cứ theo quy định hiện hành, công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện: giá cổ phiếu tăng trần hoặc giá cổ phiếu giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên.
Các công được HoSE gọi tên bao gồm Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG); Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR); Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC); Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG); Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) và Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FTS).
Cụ thể, DIC Group giải trình cổ phiếu DIG giảm sàn liên tiếp những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của DIC Group vẫn đang diễn ra bình thường. HĐQT và Ban Điều hành DIC Group vẫn đang nỗ lực tối đa để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, xung đột quân sự, tình hình địa chính trị ở một số khu vực đang diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay, lạm phát ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự truyền thông liên tục về nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Trong nước, thị trường vốn suy giảm, giới hạn room tín dụng cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước cấp hàng năm đã được sử dụng hết, lãi suất tăng cao với tốc độ nhanh, tỷ giá có xu hướng tăng, các chính sách liên quan chưa được tháo gỡ... dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Group, giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động.
Để hạn chế sự giảm giá cổ phiếu bất thường, một mặt, DIC Group tiếp tục nỗ lực trong hoạt động để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, DIC Group cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành có chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Sau 5 phiên liên tiếp giảm sàn và phải giải trình, phiên 11/11, cổ phiếu DIG tiếp tục giảm sàn, xuống mức 11.650 đồng/cổ phiếu. Sang tuần mới (14/11/2022), cổ phiếu DIG lại tiếp tục giảm sàn về mức 10.850 đồng/cổ phiếu, giảm tới 90% so với mức đỉnh hồi đầu năm.
Tương tự, Bất động sản Phát Đạt cũng giải trình về việc giá cổ phiếu PDR giảm sàn 5 phiên liên tục là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Giá mua bán cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như các tác động của chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp đang kinh doanh.
Hiện tại Phát Đạt vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 vẫn đang tăng trưởng tốt, hoàn toàn không có biến động gì xấu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/11/2022, cổ phiếu PDR tiếp tục giảm sàn về mức giá 24.400 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh hồi tháng 12/2021, cổ phiếu PDR đã giảm hơn 65% thị giá, sau các thông tin lãnh đạo của công ty này bị “call margin” lên đến hàng triệu cổ phiếu.
Về phía Becamex TDC, công ty này giải trình giá giao dịch cổ phiếu TDC bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý của các nhà đầu tư cộng thêm những ảnh hưởng gián tiếp bởi các chính sách điều hành vĩ mô liên quan tới lĩnh vực công ty đang kinh doanh. Vì vậy việc cổ phiếu TDC bị giảm sàn 5 phiên liên tiếp là việc nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Trên thị trường sau 5 phiên giảm sàn liên tục (4 - 10/11/2022), phiên giao dịch ngày 11/11 cổ phiếu TDC tiếp tục giảm sàn thứ 6 liên tiếp. Chưa dừng lại, kết thúc phiên 14/11 thị giá cổ phiếu TDC tiếp tục giảm sàn về 7.710 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh hồi đầu tháng 1/2022, cổ phiếu TDC đã giảm 73% thị giá.
Ngoài lý do lượng cung cầu của cổ phiếu trên thị trường thay đổi do quyết định của nhà đầu tư, lý giải nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, CTCP Tập đoàn Yeah1 cho biết, các yếu tố kinh tế vĩ mô kém thuận lợi đang tạo nên xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán hiện nay, cổ phiếu của công ty cũng không nằm ngoài xu hướng này, vì vậy việc cổ phiếu giảm giá liên tục là điều không thể tránh khỏi.
Chung cảnh ngộ với PDR, TDC, đến phiên ngày 11/11, cổ phiếu YEG của Yeah1 cũng chứng kiến phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp về mức đáy lịch sử, còn 7.540 đồng/cổ phiếu. Sang tuần mới, kết phiên ngày 14/11, giá cổ phiếu giảm còn 7.050 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, lý giải việc giá cổ phiếu giảm sàn liên tục những phiên gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng nguyên nhân xuất phát từ tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư suy giảm.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết