Trên thị trường chứng khoán ngày 11/2, nhóm khoáng sản, vốn là “ngôi sao sáng” những ngày gần đây, bất ngờ đánh mất “hào quang”.
Những mã từng khuấy đảo thị trường như MSR, MTA, BMC, MSR, KSV, KCB đồng loạt chuyển đỏ. Ngay cả HGM – cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán năm 2024 – cũng chỉ tăng nhẹ 2,04%, do lực bán chiếm ưu thế.
Cổ phiếu khoáng sản
Áp lực chốt lời xuất hiện, dòng tiền dường như đang bắt đầu rời bỏ nhóm khoáng sản. Giữa bối cảnh đó, cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn gây chú ý khi tiếp tục bứt tốc trong sự săn đón của nhà đầu tư. Kết thúc phiên sáng 11/2, mã này đóng cửa ở mức 39.900 đồng/cp, tăng 9,92%, xác lập chuỗi tăng trần thứ 6 liên tiếp.
Mặc dù thanh khoản giảm mạnh so với những phiên trước đó nhưng cổ phiếu BKC vẫn đang trong trạng thái “cháy hàng”. Khối lượng giao dịch phiên 11/2 đạt 2.400 đơn vị, toàn bộ được hấp thụ tại giá trần. Cuối giờ giao dịch, sổ lệnh vẫn tiếp tục dày lên với 178.600 cổ phiếu chờ mua, trong đó có 147.500 đơn vị (tương đương 83%) được kê tại giá trần.
Cổ phiếu BKC tăng kịch trần trong trạng thái trắng bên bán
Vào đúng sóng, nhà đầu tư lãi bằng cả đời gửi tiết kiệm
Cần biết, phiên 11/2 là lần tăng hết biên độ thứ 10 trong 11 phiên gần nhất của cổ phiếu BKC. Sau pha điều chỉnh mạnh hồi trung tuần tháng 1, với sự hỗ trợ của loạt thông tin tích cực, mã này phất lên như “diều gặp gió” và liên tục điền tên mình vào danh sách cổ phiếu tăng mạnh.
Ngày 6/2/2025, Khoáng sản Bắc Kạn từng đưa ra văn bản giải trình về chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp (21/1/2025 – 5/2/2025) của BKC, nhấn mạnh rằng kết quả kinh doanh khả quan là động lực chính thúc đẩy giá cổ phiếu.
Cụ thể, doanh thu thuần quý IV/2024 của Khoáng sản Bắc Kạn tăng 32% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến 1.528%. Doanh nghiệp cho hay, kết quả này là nhờ sự tăng trưởng ổn định từ thị trường tinh quặng kẽm, đồng thời khẳng định không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu.
“Các diễn biến giá cả của cổ phiếu thời gian qua hoàn toàn phản ánh diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán và nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty”, Khoáng sản Bắc Kạn khẳng định.
Ngày 6/2/2025 cũng là ngày mà cổ phiếu BKC cùng hàng loạt mã khoáng sản khác khuấy đảo thị trường chứng khoán khi đồng loạt tăng trần trong trạng thái trắng bên bán.
Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu các khoáng sản chiến lược sang Mỹ, một động thái được xem là “đòn đáp trả” trước chính sách siết chặt ngành bán dẫn của Washington. Nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi từ việc “lấp chỗ trống” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu khoáng sản.
Phiên giao dịch bùng nổ trước đó của nhóm cổ phiếu khoáng sản
Đáng chú ý, trước đó, cổ phiếu BKC từng góp mặt ở vị trí thứ 9 trong danh sách 10 cổ phiếu bứt phá nhất sàn HNX năm 2024 với mức tăng 107,25%. Kết quả này chủ yếu được tạo nên bởi cú bứt phá hồi cuối tháng 10. Thời điểm đó, cổ phiếu BKC từng xác lập chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp (23/10/2024 - 29/10/2024).
Mặc dù chưa ghi nhận giải trình từ phía Khoáng sản Bắc Kạn nhưng chuỗi tăng trần nói trên được cho là đến từ kết quả kinh doanh vượt trội của doanh nghiệp. Ngày 20/10/2024, doanh nghiệp báo lãi hơn 19 tỷ đồng, cao gấp 34 lần cùng kỳ. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp cổ phiếu BKC chấm dứt chuỗi ngày lẹt đẹt dưới mệnh giá.
Cổ phiếu BKC từng xác lập chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp (23/10/2024 - 29/10/2024).
Tính từ chân sóng tới nay, sau khoảng hơn 4 tháng, cổ phiếu BKC đã tăng tới 523,44%, một con số khiến các nhà đầu tư phải giật mình. Nếu so với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện rơi vào khoảng 5%/năm, khoản lợi nhuận của các nhà đầu tư cổ phiếu BKC tương đương với số tiền lãi của một thế kỷ gửi ngân hàng - với điều kiện lãi suất không đổi và không có bất kỳ biến cố tài chính nào xảy ra.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vốn không phải là ngân hàng. Tại đây, những con sóng cao nhất cũng có thể nhấn chìm nhà đầu tư xuống nơi sâu nhất.
Cổ phiếu BKC có đang bị “găm hàng” để tạo FOMO?
Một thực tế đáng lưu ý là thanh khoản cổ phiếu BKC đang ngày càng thấp.
Theo dữ liệu của DNSE, tỷ lệ free-float của mã này hiện là 45%. Tức là, trong tổng số 11,7 triệu cổ phiếu BKC niêm yết trên thị trường chứng khoán, có 5,3 triệu đơn vị đang lưu hành tự do.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trung bình trong thời gian “nổi sóng” của mã này rất thấp, ghi nhận ở mức 13.753 cổ phiếu/phiên. Ngay cả phiên giao dịch sôi động nhất, cũng chỉ có 111.384 cổ phiếu được trao tay, tương đương khoảng 2% lượng cổ phiếu lưu hành tự do.
Thanh khoản nhỏ giọt trong bối cảnh lệnh mua chất đống tại giá trần làm dấy lên nghi vấn bàn tay của một nhóm “tay to” đang chủ động “găm” phần lớn cổ phiếu và khống chế nguồn cung, tạo cảm giác khan hiếm cho cổ phiếu. Nếu đây là chiến lược đẩy giá, nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và lao vào mua đuổi với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ còn tăng cao.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Vũ Gia Hạnh mới đây đã có động thái gia tăng sở hữu tại BKC. Ngày 5/2/2025, vị này mới đây đăng ký mua vào 30.000 cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh, với mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 6/2/2025 đến 28/2/2025. Hiện, ông Hạnh chỉ nắm giữ 1.100 cổ phiếu BKC, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,02%.
Nội dung đăng ký giao dịch của ông Vũ Gia Hạnh - Phó tổng giám đốc Khoáng sản Bắc Kạn
Việc lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu trong thời điểm này có thể xem là một tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của BKC.
Tuy nhiên, với thanh khoản yếu như hiện tại và những nghi vấn về “bàn tay vô hình” thao túng nguồn cung, rủi ro khi dòng tiền quay đầu là rất lớn. Lịch sử thị trường chứng khoán đã không ít lần chứng kiến kịch bản quen thuộc: Khi giá cổ phiếu bị đẩy lên quá cao, nhóm “tay to” bất ngờ thoát hàng, để lại những nhà đầu tư nhỏ lẻ mắc kẹt trên đỉnh. Trong bối cảnh thanh khoản suy yếu, một khi áp lực bán gia tăng, cổ phiếu có thể rơi vào trạng thái “xả không ai mua”, kéo theo đà lao dốc không phanh.
Vietnamfinance
In bài viết