Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch: Một thời 'làm mưa làm gió', nay thành 'cốc trà đá'

Trong số các cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch vừa qua, một số mã như ITA, TNA DRH, MHL từng làm mưa làm gió TTCK nay chỉ rẻ bằng “cốc trà đá”.

Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đình chỉ giao dịch một loạt cổ phiếu.

Cụ thể, trên HoSE, những mã “bị trói” gồm có: ITA, TKG, KTT, DRH, TNA và LEC. Trên HNX, đó là MHL, CVN và HSA.

Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch: Một thời 'làm mưa làm gió', nay thành 'cốc trà đá' - Ảnh 1

Chậm trễ công bố báo cáo tài chính

Nhìn chung, nguyên nhân khiến các cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch là do doanh nghiệp chậm trễ công bố báo cáo tài chính.

Cụ thể, Tân Tạo chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Doanh nghiệp này khẳng định đã nỗ lực hết sức liên hệ làm việc và thuyết phục tất cả các đơn vị kiểm toán nhưng đều bị họ từ chối. Đáng nói, Tân Tạo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán 4 kiểm toán viên thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, 2022 và soát xét bán niên 2023 cho doanh nghiệp một cách bất thường, không minh bạch, gây ra tâm lý e ngại.

Trong khi đó, Thiên Nam Group và DRH Holdings vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024.

Theo giải trình của Thiên Nam Group, công ty đã làm việc tích cực với đơn vị kiểm toán nhưng hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất trong quá trình kiểm toán BCTC năm 2023 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Điều này khiến cho Thiên Nam Group chưa thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2023 và chậm báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 theo quy định.

Về phía DRH Holdings, việc chậm hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán 2023 là nguyên nhân khiến doanh nghiệp này không thể hoàn thành báo cáo thường niên 2023, tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 đúng hạn.

Doanh nghiệp địa ốc này cho hay đã hoàn thành và công bố BCTC kiểm toán năm 2023 vào ngày 5/9, đồng thời dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào đầu tháng 11. Sau đó, DRH Holdings sẽ lựa chọn đơn vị kiểm toán để tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2024 và công bố thông tin theo quy định.

Tương tự các cổ phiếu trên sàn HoSE, CVN của Vinam bị HNX đình chỉ do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, dù đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa báo cáo tài chính bán niên 2024 đã được soát xét.

Đối với trường hợp của cổ phiếu MHL, quyết định đình chỉ của HNX được đưa ra do cổ phiếu MHL bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 29/8. Nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu này bị hủy niêm yết do Minh Hữu Liên không minh bạch trong việc công bố thông tin về các giao dịch nội bộ, giao dịch với các bên liên quan.

Trong khi đó, cổ phiếu Hestia (HNX: HSA) tiếp tục bị đình chỉ giao dịch theo quyết định của HNX ngày 11/9, do "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin". Trước đó, HSA đã bị tạm ngừng giao dịch do HNX xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 46 Luật Chứng khoán.

Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch: Một thời 'làm mưa làm gió', nay thành 'cốc trà đá' - Ảnh 2

Một thời "làm mưa làm gió", nay thành "cốc trà đá"

Trong số những cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch nói trên, nhiều mã đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, do biến động mạnh của thị trường, cộng với kết quả kinh doanh kém sắc, các mã này đã rơi về mức giá rẻ như cốc trà đá.

Chẳng hạn như ITA của Tân Tạo. Giai đoạn 2007-2010, cổ phiếu ITA từng neo cao tới 34.x đồng, đưa Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến lọt vào danh sách 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2012, công ty đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, khiến giá cổ phiếu ITA giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1/10 so với thời điểm niêm yết vào năm 2006. Từ đó, bà Yến dần vắng mặt tại các đại hội cổ đông của Tân Tạo, với những lý do khác nhau qua từng năm.

Hiện tại, với vốn điều lệ gần 9.400 tỷ đồng, Tân Tạo có hơn 938 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, vốn hóa thị trường của Tân Tạo chỉ còn khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tương tự, cổ phiếu TNA cũng từng có một thời kỳ “huy hoàng”. Cuối năm 2019, mã này từng xác lập đà tăng 185%, từ mức 7.x đồng lên mức 20.x đồng. Thế nhưng, sau khi lập đỉnh lần cuối cùng vào đầu năm 2022, thị giá TNA bắt đầu giảm mạnh, chỉ bằng “một cốc trà đá”, đạt 3.7x đồng.

Đối với DRH Holdings, cổ phiếu DRH từng ghi nhận mức tăng giá hơn 1.200% từ tháng 9/2015 đến tháng 7/2016, vượt mốc 54.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu giảm mạnh, rơi về vùng 10.x đồng. Hiện tại, thị giá DRH chỉ còn 1.900 đồng.

DRH Holdings cũng từng tham vọng đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2025. Thế nhưng, trong 2 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh lại liên tục đi lùi. Năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt gần 8,8 tỷ đồng, giảm hơn 85% so với năm 2022 (hơn 60 tỷ đồng). Chi phí lãi vay đè nặng với hơn 108 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ gần 104 tỷ đồng.

Còn Minh Hữu Liên, 5,4 triệu cổ phiếu MHL đã bị đình chỉ giao dịch ngay khi chuyển sang thị trường UPCoM từ ngày 20/9. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên được đặt ở mức 3.300 đồng/cổ phiếu, tương đương với vốn hóa gần 18 tỷ đồng.

Trước khi rơi vào tình cảnh này, cổ phiếu HML đã từng có khoảng thời gian giao dịch ổn định trên thị trường, với vùng giá khoảng 11.x đồng.

Hà Lê

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục