Theo kế hoạch của Chính phủ, trong hai năm 2014-2015 sẽ cổ phần hóa 432 DNNN, bình quân trong năm 2014 sẽ cổ phần hóa 216 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước chỉ ra, bình quân mỗi ngày cơ quan quản lý phải thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 1 doanh nghiệp.
Kết quả không mấy khả quan
Trong Quý I/2014, có 16 DNNN cổ phần hóa thành công. Đây là một kết quả khá ấn tượng.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới đây, cho đến hết tháng 5, số lượng DNNN được cổ phần hóa không mấy khả quan. Chỉ có thêm một số đơn vị được cổ phần hóa như: Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang, Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh.
Như vậy, tính ra trung bình 5 tháng đầu năm, gần 10 ngày chúng ta mới cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp. Chênh lệch hoàn toàn với kế hoạch trung bình 1 ngày cổ phần hóa 1 doanh nghiệp đã đặt ra.
Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa rất khiêm tốn mặc dù đã trải qua 1/4 chặng đường. Điều này khiến kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ đang phải chịu sức ép ngày một lớn.
Vì đâu cổ phần hóa lại chậm chạp?
Nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa chậm chạp chủ yếu là ách tắc do cơ chế. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến trình này.
Bên cạnh đó, tác động thị trường cũng khiến cho việc cổ phần hóa DNNN bị ảnh hưởng.
Nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ lạm phát, nguy cơ khó khăn về thanh khoản thường trực, trong khi các DN trong nước cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn khi mở cửa hội nhập, cùng với việc thị trường chứng khoán đi xuống là những nguyên nhân khách quan gây cản trở tiến độ thực hiện cổ phần hóa hiện nay.
Theo công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính từ đầu năm đến đầu tháng tư, HNX đã tổ chức 19 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước). Song, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp thực hiện bán hết 100% số cổ phần chào bán, còn lại là các phiên đấu giá có khối lượng bán với tỷ lệ thấp, khoảng 15% tổng số cổ phần chào bán.
Đẩy nhanh tiến độ bằng giải pháp mới
Với những nguyên nhân ảnh hưởng trên, đẩy nhanh tiến trình CPH là một bài toán khó, nhưng không phải vì thế mà không thực hiện được hoặc trì hoãn quá lâu.
Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cổ phần hóa đồng thời cả công ty mẹ và công ty con, thay vì cổ phần hóa các công ty con xong mới cổ phần hóa công ty mẹ.
Các bộ, ngành cũng đang mạnh tay, dứt khoát hơn trong việc thay thế lãnh đạo các doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ CPH được đơn vị chủ quản giao. Điều này đang tạo sức ép CPH tại nhiều DN.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ tài chính cũng thường xuyên liên lạc với các doanh nghiệp để nắm bắt được tiến độ triển khai việc cổ phần hóa. Từ đó, có thể hỗ trợ và giải quyết vướng mắc phát sinh.
Điều quan trọng nhất để kế hoạch cổ phần hóa được thuận lợi nhất đó là các doanh nghiệp chủ động triển khai phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, có vướng mắc nên chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng để Bộ Tài chính có cơ sở giải quyết nhanh gọn, không làm ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa Chính phủ đề ra.
(Hoàng Nguyên - TH)