Cổ phần hóa DNNN đang có những bước đi “ì ạch”

"Quá trình cổ phần hóa được đánh giá là đang khá chậm nhưng ai có động cơ để thúc đẩy nó đi nhanh hơn?", ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, đặt ra câu hỏi khó trả lời trên Tạp chí FinanceAsia về quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

Đánh giá của ông Andy Ho phần nào có thể xem là đúng. Bởi lẽ, sau các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dồn dập của các công ty xây dựng và giao thông hồi đầu năm thì tính đến nay, ngoài một số thương vụ IPO lẻ tẻ như của Vocarimex, nhìn chung tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dường như đang chậm lại.

Tuy vậy, đến cuối quý III này và khoảng cuối năm nay, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ rộn rã trở lại với thương vụ đầu tiên là đợt IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vào ngày 22/9/2014 vừa qua.

Với việc thị trường chứng khoán đang khởi sắc, cùng một thành tích kinh doanh thuộc hàng tốt nhất trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đợt IPO của Vinatex được đánh giá là thành công khi 110,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 90% số lượng chào bán, đã bán hết trong đợt IPO vừa qua. Sau IPO, Vinatex đã có cơ cấu vốn Nhà nước chiếm 51%, 24% của nhà đầu tư chiến lược, 0,6% người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác.

Sự thành công của đợt IPO Vinatex được kỳ vọng sẽ tạo tiếng vang lớn, khích lệ quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước khác. Sau Vinatex, một đợt IPO khác thu hút sự chú ý của nhà đầu tư bên ngoài là việc cổ phần hóa Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Tuy tham vọng thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước chỉ trong 2 năm 2014-2015 dường như khó đạt được, nhưng chỉ cần một vài "bom tấn" trong số đó như Vinatex, Vietnam Airlines, Vocarimex hay Mobifone IPO thành công thì có thể xem Việt Nam đã phần nào thực hiện được lời hứa tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước.

"Thậm chí, chỉ cần cổ phần hóa được một nửa số lượng doanh nghiệp theo mục tiêu Chính phủ đề ra đã là tốt rồi. Chính phủ sẽ không thể trở lại và quốc hữu hóa các doanh nghiệp này nữa", ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành phụ trách mảng nghiên cứu Công ty Chứng khoán HSC, nhận xét.

Tại Hội nghị đầu tư "Gateway to Vietnam 2014", ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng chính phủ, cho biết tính đến ngày 10.9, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 65 doanh nghiệp nhà nước; khoảng 360 doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa và khoảng 100 đơn vị đã công bố giá trị doanh nghiệp. Thậm chí nếu nỗ lực, đến cuối năm nay có thể sẽ có tới 150 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa để sau đó có thể tiến hành IPO.

Ông cũng cho biết Nhà nước sẽ có các bước đi để giảm dần tỉ lệ sở hữu nhà nước. Ví dụ, tại Vietnam Airlines, tỉ lệ sở hữu nhà nước sau đợt IPO và bán cho đối tác chiến lược chỉ còn 75% và sau đó sẽ giảm dần xuống còn 65%. Đối với một số công ty như Vocarimex, Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối, trong khi tại Vinatex, tỉ lệ sở hữu nhà nước có thể giảm về 0% trong các năm sau đó.

Điều kiện thị trường hiện tại cũng ủng hộ cho làn sóng cổ phần hóa này. Sau 5 năm kể từ năm 2009, chỉ số VN-Index mới lại vượt ngưỡng 600. Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 9, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nghĩa là dù nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng khá chậm nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam.

Theo ông Bằng, hệ thống sàn giao dịch chứng khoán đang sẵn sàng để giúp các doanh nghiệp nhà nước đấu giá. Và để giúp thị trường phản ứng tích cực hơn, ông đã kiến nghị Chính phủ buộc các doanh nghiệp nhà nước sau khi IPO phải niêm yết trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX hay UPCoM) trong vòng 60 ngày thay vì phải đợi 1 năm sau đó.

Còn Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thì cho rằng Việt Nam vẫn đang là nền kinh tế chuyển đổi nên việc tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước có một ý nghĩa rất lớn. Ngoài nội dung cổ phần hóa, ông Thành cũng kỳ vọng hệ thống quản trị của các doanh nghiệp nhà nước sẽ hiệu quả hơn khi Việt Nam đang đẩy mạnh tính minh bạch thông tin và áp dụng hơn 30 nguyên tắc quản trị của khối các quốc gia OECD vào các doanh nghiệp nhà nước.

Để làm quá trình này trở nên hấp dẫn hơn, đứng trên quan điểm của nhà đầu tư, Tiến sĩ Alan Phan cho rằng có thể niêm yết các công ty như Vietnam Airlines lên sàn chứng khoán Mỹ để tiếp cận thị trường vốn quốc tế dễ dàng hơn.

Chắc chắn con đường cổ phần hóa sẽ lắm chông gai. Tiến sĩ Thành đã nêu lên những thách thức lớn mà quá trình cổ phần hóa phải đối mặt. Cụ thể là việc đụng chạm đến tính phức tạp của pháp lý, cũng như không dễ định giá các doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là tài sản gắn liền với đất đai.

Tìm được đối tác chiến lược đáp ứng được điều kiện đặt ra cũng là thách thức lớn, trong khi một vấn đề khó giải quyết khác là chính sách xã hội đối với hàng ngàn, thậm chí hàng vạn lao động có thể bị mất việc làm trong quá trình tái cấu trúc.

Để giải quyết các thách thức này, theo ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới và Sắp xếp doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết Chính phủ đang tiến hành sửa đổi bổ sung các luật lệ liên quan, đưa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trở thành một nhân tố mới đóng vai trò quan trọng nắm giữ cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp; Bộ tài chính cũng đang chuẩn bị ban hành chính sách giải quyết nguồn lao động bị dôi dư cũng như nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa.

Mới đây, Chính phủ cũng đã công bố Quyết định 51 hướng dẫn cụ thể quá trình thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, một bước đi được kỳ vọng sẽ giúp sổ sách của các doanh nghiệp trở nên đẹp hơn và quá trình cổ phần hóa sẽ thuận lợi hơn.

Theo Nhịp cầu đầu tư

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục