Cục Thuế TP. Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra thuế tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex), trong đó chỉ rõ những tồn tại về thuế tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, kết luận thanh tra nêu rõ Hanosimex có hành vi kê khai sai, không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2023, vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 126 của Chính phủ.
Hanosimex cũng kê khai thuế GTGT hàng hoá dịch vụ mua vào không đủ điều kiện khấu trừ (hoá đơn dịch vụ ăn uống của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh trước thời điểm có thông báo của cơ quan thuế). Điều này vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 9, Nghị định số 209 của Chính phủ.
Từ những vi phạm nêu trên, Cục Thuế TP. Hà Nội quyết định xử phạt, truy thuê thuế và tiền chậm nộp với Hanosimex với tổng số tiền là hơn 376 triệu đồng.
Được biết, Hanosimex tiền thân là Nhà máy Sợi Hà Nội (Sợi Đức) được chính thức thành lập ngày 21/11/1984. Tháng 10/1985, Nhà máy thành lập thêm phân xưởng sản xuất phụ để tận dụng bông phế liệu bị loại ra trong quá trình sản xuất chính để sản xuất khăn bông với sản lượng 4.000 chiếc/năm.
Tháng 12/1987, Nhà máy mở rộng quy mô đầu tư xây dựng dây chuyền dệt kim số I và tới tháng 6/1990, dây chuyền được đưa vào sản xuất bao gồm nhiều loại máy với chất lượng cao, có công suất 190.000 sản phẩm quần áo các loại hàng năm và 300 tấn vải các loại.
Tháng 4/1990, Bộ Kinh tế Đối ngoại cho phép Nhà máy được hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp với tên giao dịch Hanosimex. Quyết định này tạo điều kiện cho nhà máy mở rộng quan hệ thương mại với các bạn hàng trên thế giới vì thế mà hoạt động sản xuất kinh doanh được tăng lên rõ rệt.
Một năm sau, Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định tổ chức hoạt động của Nhà máy sợi Hà Nội thành Xí nghiệp Liên hiệp sợi - dệt kim Hà Nội, vẫn giữ tên giao dịch đối ngoại là Hanosimex. Tháng 6/1993, xây dựng dây chuyền dệt kim số II và tới tháng 3/1994, dây chuyền được đưa vào sản xuất.
Ngày 19/5/1994, Nhà máy Dệt kim được khánh thành bao gồm cả hai dây chuyền I và II. Tháng 1/1995, khởi công xây dựng Nhà máy thêu Đông Mỹ và tới tháng 9/1995 thì khánh thành.
Ngày 26/9/1995, Bộ Công nghiệp nhẹ một lần nữa đổi tên Xí nghiệp liên hiệp sợi-dệt kim Hà Nội thành Công ty Dệt Hà Nội. Ngày 28/2/2000, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dệt May Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam - VINATEX) đổi tên Công ty Dệt Hà Nội thành Công ty Dệt May Hà Nội.
Vào dịp 20 năm ngày thành lập, Thủ tướng đã phê duyệt đề án thí điểm mô hình công ty mẹ - con tại Công ty Dệt May Hà Nội, doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của VINATEX.
Năm 2007, công ty thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và chính thức hoạt động theo hình thức tổng công ty từ tháng 1/2008. Ngày 19/4/2018, 20,5 triệu cổ phiếu của Hanosimex với tổng giá trị đăng ký giao dịch hơn 205 tỷ đồng chính thức lên sàn UPCoM.
Hanosimex là một doanh nghiệp lớn nằm trong chuỗi cung ứng sợi - dệt – may của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) với các nhà máy sản xuất tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh và hoạt động trong các lĩnh vực kéo sợi, may, sản xuất khăn, dệt vải, kinh doanh thương mại, logistic.
Danh sách đất đai thuộc sở hữu của tổng công ty này, gồm lô đất rộng 2.575m2, chưa sử dụng, tại số 25, ngõ 13, đường Lĩnh Nam, Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội; lô đất rộng 125.000m2, đang sử dụng, tại khu công nghiệp Đồng Văn II, Duy tiên, Hà Nam; lô đất đang sử dụng có diện tích 68.540m2 tại cụm công nghiệp Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, Hanosimex đạt doanh thu 291,9 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2023. Dù doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 6,35 tỷ đồng, tăng 152,5% so với cùng kỳ. Trước đó, doanh nghiệp này có 9 quý liên tiếp báo lỗ.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Hanosimex đạt doanh thu hơn 815,9 tỷ đồng, giảm 17,06% so với cùng kỳ; doanh nghiệp báo lỗ hơn 69,2 tỷ đồng, mức lỗ này đã giảm 33,06% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/9/2024, nợ phải trả của Hanosimex là hơn 846,2 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng nguồn vốn. Các khoản nợ của doanh nghiệp phần lớn là nợ vay, với gần 540 tỷ đồng tiền nợ vay dài hạn và ngắn hạn.
Hiện nay, ông Cao Hữu Hiếu là Chủ tịch HĐQT của Hanosimex, người đảm nhận vị trí tổng giám đốc và đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Hồ Lê Hùng.
Vietnamfinance
In bài viết