Cơ cấu cổ đông Địa ốc Tân Kỷ ra sao trước ngày bị đình chỉ giao dịch?

Cơ cấu cổ đông tại Địa ốc Tân Kỷ ghi nhận có sự biến động trước khi cổ phiếu TKC bị đình chỉ giao dịch từ ngày 25/9.

Theo tin tức chứng khoán trên báo Đại đoàn kết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết đơn vị này vừa công bố quyết định chuyển sang diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu TKC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (HNX: TKC) theo điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán Niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17 của ngày 31/3/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu TKC của Địa ốc Tân Kỷ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 25/9.
Cổ phiếu TKC của Địa ốc Tân Kỷ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 25/9.

Nguyên nhân là vì Địa ốc Tân Kỷ chậm công bố thông tin báo cáo tài chính quý II/2023, báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023 và báo cáo tài chính bán niên được soát xét năm 2023.

Quyết định của HNX có hiệu lực kể từ ngày 25/9/2023.

Mã này đang trong diện cảnh báo theo Quyết định số 907 ngày 6/9/2023 do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn, vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm và chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Ngoài ra, cổ phiếu TKC cũng thuộc diện kiểm soát theo Quyết định số 452 ngày 18/5/2023 do vốn chủ sở hữu âm tính trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Theo tạp chí Nhà đầu tư, Địa ốc Tân Kỷ được thành lập năm 2007, từng là nhà thầu ít nhiều có tiếng ở khu vực phía Nam với sự điều hành của anh em doanh nhân Trần Văn Sỹ.

Doanh nghiệp này bắt đầu bén duyên với tập đoàn Central Capital từ giữa năm 2020 với việc trở thành nhà thầu dự án Prime Hotel & Resorts Cam Ranh và tiếp đó là dự án Da Nang Silk Tower 1 vào tháng 10/2020.

Màn đổi chủ tại Địa ốc Tân Kỷ rõ nét hơn khi giai đoạn 17/11 – 30/11/2021, công ty này chứng kiến sự thoái lui của loạt cổ đông nội bộ, bao gồm các uỷ viên HĐQT và người thân, như: ông Trần Văn Sỹ (bán 1 triệu cổ phiếu), ông Trần Văn Tuấn (bán 1 triệu cổ phiếu), ông Trần Văn Nho (bán 586.035 cổ phiếu).

Ở chiều hướng ngược lại, 3 nhà đầu tư cá nhân có liên quan đến Central Capital đã mua vào lượng lớn cổ phiếu TKC, bao gồm: ông Lê Đại Nghĩa (mua vào 1,1 triệu cổ phiếu; tương đương 10,25% vốn điều lệ), bà Lê Võ Thu Hà (mua vào 823.074 cổ phiếu; chiếm 7,67% vốn điều lệ), bà Vũ Thị Kim Loan (mua vào 1 triệu cổ phiếu; chiếm 9,23% vốn điều lệ). Các giao dịch này đều được thực hiện vào ngày 17/11/2021.

Ít tuần sau đó, thượng tầng của TKC cũng được "thay máu", khi ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ HĐQT và BKS nhiệm kỳ cũ, đồng thời bầu ra HĐQT và BKS mới cho nhiệm kỳ 2019 – 2024. Trong số 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, có tới 3 đại diện liên quan tới nhóm Central Capital, là các ông Lê Đại Nghĩa, Trần Trọng Dũng và Trần Đức Vinh. Ông Lê Đại Nghĩa sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT TKC.

Đến tháng 7/2022, ông Nghĩa nâng tỷ lệ sở hữu tại TKC lên 19,45%, trong khi bà Vũ Thị Kim Loan và ông Trần Trọng Dũng thoái toàn bộ vốn. Tương tự, cá nhân cùng nhóm là bà Lê Võ Thu Hà cũng đã hạ tỷ lệ nắm giữ tại TKC về 0% vào ngày 23/6/2023.

Hướng ngược lại, Quỹ đầu tư tài chính MKDS - thành viên thuộc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Thái Dương (Thai Duong Capital) đã liên tục gom cổ phiếu TKC, qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 30/6/2023 với tỷ lệ nắm giữ lên đến 10,15%.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 15/9, cổ phiếu TKC giảm sàn xuống còn 1.300 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hoá là 21,3 tỷ đồng. 

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục