Theo ông Phụng nên bỏ từ “chỉ" trong cụm “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.
|
Ông Phụng đề xuất cần phải sửa Điều 15 trong dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT được nêu trong Tờ trình của Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ. |
Mới đây trong Tờ trình của Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ tại dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT, tại Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo - Các trường hợp hoàn thuế có nêu: “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.
Ông Nguyễn Văn Phụng phân tích, theo quy định này có thể hiểu là doanh nghiệp chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT là 5% thì mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên thì không được hoàn thuế. Điều này là không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên.
Là một chuyên gia về Thuế, ông Phụng cho rằng trên thực tế, doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế GTGT 5%. Do đó, sửa luật thuế GTGT cần đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%...
Đơn cử doanh nghiệp A là nhà sản xuất phân bón và kinh doanh hóa chất, nếu hàng hóa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% và hóa chất chịu thuế suất 10% thì doanh nghiệp A sẽ không được hoàn thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp B chỉ sản xuất phân bón, không kinh doanh ngành nghề khác thì lại được hoàn thuế. Như vậy, sẽ không công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Do đó, thuật ngữ “chỉ” sẽ làm giới hạn đối tượng được hoàn thuế và không đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%...
Bởi vậy, ông Phụng đề xuất bỏ từ “chỉ" trong cụm “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.
“Như vậy mới thoả mãn yêu cầu của chính sách và tính chất liên hoàn của thuế GTGT. Tới đây tôi cũng sẽ có văn bản kiến nghị lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này" - bằng tâm huyết của người "cả đời" làm Thuế, ông Phụng nhấn mạnh.
Phải giải thích cho nông dân áp thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5%
Cũng theo ông Phụng, lỗi của chúng ta là năm 2014 không có đầy đủ thông tin, số liệu để báo cáo Quốc hội rằng phân bón chịu thuế 5% tốt hơn không chịu thuế. Thay vì vậy, thuế VAT thấp ở mức độ vừa phải sẽ có lợi hơn rất nhiều so với chuyển vào nhóm đối tượng không chịu thuế VAT. Mười năm qua đã cho chúng ta bức tranh toàn cảnh.
"Tôi đề nghị Hiệp hội phân bón bố trí buổi làm việc, để tôi đưa ra thông tin nếu áp thuế VAT 5% giả định thì thu ngân sách, đầu vào, đầu ra, giá bán như thế nào. Chúng ta cũng có cơ hội giảm giá cho bà con, do đầu vào được khấu trừ, đầu ra thông thương với thế giới. Đồng thời, phải giải thích cho nông dân áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5%. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp giữ nguyên giá hoặc hạ giá bán cho bà con”- ông Phụng khẳng định.