Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 mới công bố, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận doanh thu đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Do tốc độ tăng của giá vốn nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu, khiến lợi nhuận gộp trong quý, giảm hơn 40% xuống 67 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng của Trung An đã được tiết giảm đáng kể khi giảm từ 44 tỷ đồng trong quý IV/2021 xuống chỉ còn 7 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty vỏn vẹn 18 tỷ đồng, thấp hơn 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế năm 2022, doanh nghiệp ngành gạo này ghi nhận tin vui khi cán mốc doanh thu lịch sử sau 6 năm với 3.798 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Tuy nhiên, dưới áp lực từ mức tăng của giá vốn hàng bán và các khoản chi phí “leo thang", Trung An báo lãi đi lùi với 70 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2021.
Với kết quả trên, Trung An đã hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, nhưng chưa thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022.
Thông tin về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Trung An đạt 2.788 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu kỳ. Trong đó, chiếm 74% cơ cấu tương đương 2.072 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn.
Theo đó, công ty có khoảng 1.411 tỷ đồng là hàng tồn kho, tăng 39% so với đầu năm, chủ yếu đến từ nguyên liệu, vật liệu. Dư nợ tính đến cuối tháng 12/2022 của Trung An là 1.590 tỷ đồng, tăng 21%. Trong đó, chiếm đến 1.374 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, tăng 15%.
Đáng chú ý, mới đây Trung An đã công bố thông tin liên quan đến việc nhận được quyết định xử phạt do sai phạm về thuế. Cụ thể, công ty đã khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2018 đến năm 2021. Đồng thời, Trung An đã khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng phải nộp tháng 8/2019 đến tháng 12/2021. Tổng số tiền phạt và truy thu là hơn 3,8 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp vừa công bố, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.
Theo quan điểm của các chuyên gia VNDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
Cụ thể, Trung An sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán. Kinh doanh gạo là mảng kinh doanh chính của TAR với tỉ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỉ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu.
Người đưa tin Pháp luật
In bài viết