F88 chi 130 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
CTCP Kinh doanh F88 (F88) được thành lập vào năm 2016. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ ban đầu 54,5 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư F88 nắm quyền chi phối với 99,99% VĐL. Sau nhiều lần tăng vốn, cập nhật đến tháng 7/2022, Kinh doanh F88 có vốn điều lệ 406 tỷ đồng. Năm 2016, Kinh doanh F88 đã nhận vốn đầu tư ngoại từ Mekong Enterprise Fund III và năm 2018 tiếp tục được quỹ đầu tư Granite Oak rót vốn.
Mới đây, ông Phùng Anh Tuấn, CEO F88, cho biết doanh nghiệp sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào năm 2024. Kế hoạch này kỳ vọng có thể nâng vốn hóa thị trường của chuỗi cầm đồ F88 đạt 1 tỷ USD. Được biết, F88 đang đàm phán với các đối tác chiến lược tiềm năng khác sau khi nhận sự hậu thuẫn của Mekong Capital và Granite Oak Advisors.
Năm 2019, F88 đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu (tương đương với trên 8,5 triệu USD). Cũng kể từ đây, trái phiếu trở thành kênh huy động vốn ưa thích của chuỗi cầm đồ này.
Theo thống kê từ người viết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm 2022 đến nay, chuỗi cầm đồ F88 đã huy động thành công hơn 1.060 tỷ đồng trái phiếu qua 10 đợt phát hành có kỳ hạn 12 tháng hoặc 18 tháng. Trước đó, trong năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu của chuỗi cầm đồ F88 đã đạt tới con số khoảng 1.300 tỷ đồng. Năm 2020, F88 ba lần huy động trái phiếu với tổng giá trị lên tới 400 tỷ đồng.
Loại trái phiếu trong các đợt phát hành của F88 hầu hết là trái phiếu riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không chuyển đổi (4 không).
Ở một diễn biến khác, cuối tháng 10 vừa qua, F88 bất ngờ mua lại trái phiếu trước hạn. Chỉ trong 3 ngày, chuỗi cầm đồ này đã dồn dập mua lại trước hạn 130 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2022.
Cụ thể, chuỗi cầm đồ F88 đã mua lại trước hạn lô trái phiếu mã F88CH2223004 mệnh giá 100 triệu đồng, giá trị phát hành 100 tỷ đồng, ngày phát hành 25/2/2022, kỳ hạn 12 tháng tương ứng ngày đáo hạn 25/2/2023. F88 đã mua 1000 trái phiếu vào ngày 24/10 để đưa số lượng trái phiếu của lô về 0.
Chuỗi cầm đồ F88 tiếp tục mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã F88CH2223001 có giá trị phát hành 30 tỷ đồng, ngày phát hành 27/1/2022, kỳ hạn 12 tháng tương ứng ngày đáo hạn 27/1/2023. F88 đã mua 300 trái phiếu vào ngày 27/10 để đưa số lượng trái phiếu theo mã về 0.
Ngoài ra, cập nhật mới nhất ngày 3/11, F88 cũng công bố thông tin sẽ mua lại trái phiếu trước hạn. Đó là lô trái phiếu F88CH2223002, khối lượng dự kiến mua lại 20 tỷ đồng, phương lại tổ chức là mua lại trước hạn theo yêu cầu của nhà đầu tư. Thời gian thực hiện mua lại dự kiến vào 21/11/2022.
Có thể thấy, sau một năm kể từ tháng 10/2021 đến nay, chuỗi cầm đồ F88 mới có động thái mua lại trái phiếu trước hạn. Năm 2021 doanh nghiệp này cũng chỉ mua lại trước hạn một lô trái phiếu mã F88Ch2122004.
Đáng nói, động thái mua lại trái phiếu trước hạn tại F88 diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Trên website của F88 hiện vẫn đang giới thiệu về trái phiếu F88 với các điểm nổi bật: “Lãi suất vượt trội – rủi ro thấp – trải nghiệm đầu tư hấp dẫn…”.
Theo chia sẻ của ông Phùng Anh Tuấn – CEO F88: “Huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong nước nằm trong chiến lược nguồn vốn dài hạn của công ty, vận dụng bài học thành công từ các công ty cho vay cầm cố hàng đầu tại Mỹ (First Cash), Thái (Srisawad) và Singapore (Maxicash). Việc phát hành trái phiếu thành công giúp cho F88 bổ sung nguồn vốn cần thiết để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của hoạt động cho vay cầm cố của công ty. Kết quả này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của nhà đầu tư về hiệu quả và uy tín của F88".
Chuỗi cầm đồ F88 lên kế hoạch huy động vốn ‘khủng’
Cập nhật đến cuối tháng ngày 30/10/2022, F88 có 800 phòng giao dịch cầm đồ, trong đó, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và hiện đang mở rộng hơn về thị trường miền Nam.
Trong khoảng 3 năm gần đây, F88 đã tăng tốc mở rộng phát triển mạng lưới để qua đó tăng trưởng dư nợ. Vào tháng 12/2020, F88 có 300 phòng giao dịch. Một năm sau, số lượng phòng giao dịch của F88 là 500. Công ty cán mốc 700 phòng giao dịch, chính thức “phủ sóng” khắp 63 tỉnh thành vào tháng 4/2021. Trong kế hoạch của mình, F88 đặt mục tiêu cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ mở rộng lên 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Theo kế hoạch, để đạt mục tiêu 1.500 phòng giao dịch cầm đồ trên toàn quốc, F88 muốn huy động thêm 4.000 tỷ nợ vay. Nếu trừ đi khoản vốn vay 10 triệu USD từ một tổ chức cho vay tại Anh mà công ty này công bố tiếp nhận đầu 2022, và các khoản đã huy động qua trái phiếu kể trên, thì nhu cầu vốn, dự kiến qua kênh phát hành trái phiếu của F88 vẫn còn tới gần 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh tại F88 đang ghi nhận lợi nhuận ở mức thấp.
Trên thực tế, doanh nghiệp này luôn cập nhật đầy đủ thông tin về mạng lưới hoạt động kể trên, còn các số liệu tài chính khác thì không được cập nhật cụ thể.
Trong lần công bố kết quả kinh doanh gần nhất, lợi nhuận sau thuế năm 2019 và 2020 của F88 lần lượt là 16,6 tỷ đồng và 44,8 tỷ đồng. Năm 2021, F88 đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến đạt 1.619 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 816 tỷ đồng, tuy nhiên đây được xem là mục tiêu khó đạt. Đến hiện tại, con số lợi nhuận năm 2021 vẫn chưa được doanh nghiệp cập nhật cụ thể.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết