Áp lực huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc trên sàn
Sau khi các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp trong ngành địa ốc đã rốt ráo đi tìm nguồn vốn mới. Phương thức huy động vốn được nhiều doanh nghiệp niêm yết dự kiến triển khai trong năm nay là phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp doanh nghiệp không phải chịu áp lực trả nợ hay cân đối thanh khoản.
Tuy nhiên, kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ của nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc.
Tại ĐHĐCĐ CEO Group hồi cuối tháng 4 vừa qua đã nhất trí thông qua phương án phát hành hơn 257 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương với tổng giá trị tương đương hơn 2.573 tỷ đồng. Trong đó, 800 tỷ đồng sẽ được bố trí cho dự án Sonasea Residences, đồng thời sẽ tăng vốn cho các công ty con.
Thời gian dự kiến phát hành trong quý III – quý IV/2022. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên gần 5.147 tỷ đồng. Chủ tịch CEO Group Đoàn Văn Bình cho biết, ở thời điểm hiện tại, công ty có nhu cầu sử dụng vốn để mở rộng quy mô, quỹ đất. Ông Bình giải thích, khi thực hiện dự án phải có vốn tự có, sau đó hoàn thành thủ tục pháp lý rồi mới đi vay ngân hàng. Ngân hàng chỉ giải ngân khi có đủ vốn tự có. Hiện CEO đã hết năng lực vốn làm dự án. Vì vậy phải tăng vốn để làm các dự án tiếp theo.
Kế huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của CEO được đưa ra trong bối cảnh giá cổ phiếu CEO trên thị trường chứng khoán đang giảm mạnh. Từ vùng đỉnh giá 92.000 đồng/cp xuống còn 39.100 đồng/cp tại thời điểm kết thúc phiên sáng 10/6.
Tại ĐHĐCĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (Mã CK: NRC) cũng thông qua việc phát hành hơn 4,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5%, cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng. Dự kiến tập đoàn sẽ thực hiện chậm nhất vào tháng 10 tới.
Cùng với đó, Danh Khôi sẽ phát hành thêm 46,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm nâng vốn điều lệ từ hơn 881 tỷ đồng lên 1.389 tỷ đồng. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1.
Đại diện Danh Khôi cho biết thêm, toàn bộ số tiền trên được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển và chuyển nhượng các dự án bất động sản tại các quỹ đất đang sở hữu. Bên cạnh đó, triển khai 8 dự án, thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công xây dựng…
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NRC đang giao dịch quanh vùng giá 16.000 đồng/cp, giảm hơn 50% so với đỉnh giá 33.400 đồng/cp hồi cuối năm 2021.
Trong năm nay Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) cũng sẽ phát hành trả cổ tức năm 2021 và phát hành ESOP. Cụ thể, Khang Điền dự kiến phát hành 64,3 triệu cp để trả cổ tức với tỷ lệ 10%. HĐQT và Tổng Giám đốc được ủy quyền lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện sau khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành 9,6 triệu cp ESOP (chiếm 1,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) với giá 24.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022.
Diễn biến giá cổ phiếu của KDH cũng không mấy tích cực khi từ đầu năm đến nay đã giảm gần 40%, hiện thị giá KDH đang ở mức 40.950 đồng/cp.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Đầu tư tài chính Hoàng Minh (Mã ck: KPF) được tổ chức hồi cuối tháng 3, doanh nghiệp công bố kế hoạch dự kiến sẽ phát hành tổng cộng hơn 133,7 triệu cổ phiếu, trong đó phát hành 6,36 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 5%) và chào bán 127,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1), giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến hơn 1.273 tỷ đồng sẽ dùng 1.000 tỷ đồng đầu tư, góp vốn, mua cổ phần tại các công ty, dự án; số còn lại hơn 273 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản bằng cách tài trợ một phần vốn triển khai, hợp tác dự án… Sau phát hành, công ty tăng vốn điều lệ lên 2.611 tỷ đồng.
Cổ phiếu KPF thời gian qua cũng theo xu hướng chung của thị trường khi sụt giảm tới 34% so với thị giá đầu năm nay, hiện ở mức 12.250 đồng/cp kết phiên 10/6.
Kế hoạch khó khả thi?
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều “sóng gió” với những phiên giảm điểm kỷ lục, gây “sốc” cho nhà đầu tư. Phần lớn các mã cổ phiếu, trong đó có các cổ phiếu bất động sản sụt giảm mạnh khiến nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng bị bán tháo.
Các chuyên gia tài chính đánh giá, triển vọng hồi phục của những doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh là rất cao, bởi lẽ mỗi nhịp điều chỉnh sẽ giúp định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, việc thanh tra kiểm tra thị trường trái phiếu của cơ quan quản lý hiện nay sẽ tác động để người mua trái phiếu thận trọng hơn khi đánh giá năng lực trái chủ và hồ sơ phát hành chặt chẽ và lãi suất sẽ phải cạnh tranh hơn khi lãi suất đã nhích dần lên.
Thực tế cũng cho thấy, khả năng thành công ở các kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu hay trái phiếu không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh thị trường chung, mà phụ thuộc vào “câu chuyện” của mỗi doanh nghiệp có đủ hấp dẫn hay không. Trong quá khứ Novaland đã nhiều lần phát hành thành công cho cổ đông chiến lược nước ngoài trong những giai đoạn thị trường chứng khoán trầm lắng.
Ngược lại, kế hoạch phát hành tăng vốn nhiều doanh nghiệp địa ốc trên sàn được đánh giá là kém khả quan khi diễn biến giá cổ phiếu liên tục có chiều hướng đi xuống.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) mới đây đã trình cổ đông thông qua kế hoạch triển khai dự án Đồi Vàng Phú Mỹ và Khu dân cư Đông Trung. Đồng thời, Công ty cũng trình kế hoạch chào bán riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong năm 2022, với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu để phục vụ phát triển dự án Khu dân cư Đông Trung.
Tuy nhiên cổ phiếu TDH vừa trải qua thời gian bị bán tháo và giảm giá khá mạnh, xuống còn 6.910 đồng/cp kết phiên 10/6. Chính vì vậy, tại ĐHĐCĐ TDH vừa qua, cổ đông cũng đặt câu hỏi về khả năng phát hành thành công. Tổng giám đốc TDH, ông Đàm Mạnh Cường cho biết, đã có đối tác đồng hành và khả năng phát hành thành công là rất cao.
TDH cho biết đã nỗ lực làm việc với cơ quan thuế để hoàn thành toàn các nghĩa vụ tài chính còn lại sau khi đã tạm nộp khoản thuế liên quan đến xuất khẩu nông sản và linh kiện điện tử để sớm gỡ phong tỏa cho các công ty thành viên. Đây cũng là điều kiện để HOSE có thể xem xét đưa cổ phiếu TDH ra khỏi diện cảnh báo, một yếu tổ để đảm bảo quyền lợi cổ đông giúp phát hành khả thi hơn.
Tập đoàn Everland (mã EVG) cũng vừa thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 90 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2022. Số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến dùng để bổ sung nguồn vốn thực hiện Dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn (Quảng Ninh) và một phần bổ sung nguồn vốn lưu động.
Doanh nghiệp khẳng định việc lâu nay chủ yếu dùng vốn chủ sở hữu phục vụ cho các hoạt động đầu tư, các chỉ tiêu tài chính cơ bản đều ở ngưỡng an toàn như giá trị hàng tồn kho giảm, dư nợ tín dụng không đáng kể là điểm cộng cho kế hoạch phát hành này.
Lãnh đạo Everland cho biết, trong năm 2022, Công ty sẽ đẩy mạnh triển khai hàng loạt dự án bất động sản tại Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp… và bắt đầu mở bán sản phẩm bất động sản tại một số dự án đủ điều kiện.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu EVG rất có thể khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn của doanh nghiệp gặp khó khi thị giá EVG hiện đang ở mứu dưới 10.000 đồng. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/6, thị giá EVG đạt 7.200 đồng.
Tương tự, cổ phiếu LDG của Công ty cổ phần Đầu tư LDG mất gần 50% giá trị trong vòng hơn 1 tháng qua, hiện còn 11.850 đồng/cổ phiếu. Vì thế, kế hoạch phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu nhằm bổ sung cho hoạt động M&A và góp vốn đầu tư ở một số dự án mới của LDG trở nên chênh vênh…
Sở hữu trí tuệ
In bài viết