Chưa xuất hiện yếu tố dẫn đến bong bóng BĐS trên thị trường.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, Yếu tố dẫn tới bong bóng BĐS giai đoạn trước đây hiện nay chưa có. Cụ thể, chính sách buông lỏng tín dụng thể hiện qua cho vay dưới chuẩn, dễ dãi tràn lan chưa hề xuất hiện mà các NH vẫn cho vay rất cẩn trọng.
Thị trường chưa thấy xuất hiện nhiều nhà đầu tư (NĐT) không chuyên nghiệp và đầu tư theo kiểu bầy đàn. Tình trạng đầu tư “lệch pha” thiên về một phân khúc thị trường nào đó (như năm 2007, NĐT tập trung phân khúc thị trường cao cấp) chưa có. Yếu tố đầu cơ đến mức lũng đoạn thị trường lại càng chưa, vì hiện tại sản phẩm BĐS rất dồi dào chứ không có hiện tượng khan hiếm giả tạo...
Hiện nay, nhà ở giá trung bình và nhà giá thấp tuy phát triển mạnh hơn so với phân khúc khác. Nhưng phân khúc này khách hàng có nhu cầu thật để ở chứ không phải để găm giữ, đầu cơ.
Những nhắc nhở của Thủ tướng về thị trường BĐS vừa qua cũng không phải là thừa. Thực tế, đúng là trong phân khúc BĐS cao cấp, các NĐT kinh doanh BĐS thứ cấp đã xuất hiện. Qua tìm hiểu thực tế các NĐT tại TP. Hồ Chí Minh, tôi được biết có những NĐT mua vài chục căn nhà của những dự án lớn. Khi mua nhiều họ được chiết khấu lớn. Và khi NĐT bán lại họ chỉ cần bán bằng giá chủ đầu tư là họ đã có lời rồi. Chưa nói đến một số dự án đắc địa họ bán lại với giá cao hơn. Nhưng tôi nghĩ sự trở lại của NĐT này là bình thường khi rất lâu rồi họ mới thấy cơ hội lợi nhuận, vì vậy họ phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ, chứ chưa đến mức độ đầu cơ như mọi người lo ngại.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng, Tín dụng Ngân hàng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thị trường BĐS. Nhưng các DN cũng cần phải giảm bớt lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng NH. Vì hiện tại vốn NH chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi vốn đầu tư phát triển thị trường BĐS đòi hỏi DN phải trường vốn. Do đó, thay vì chỉ lo vay vốn NH, DN cần phải tìm kiếm thêm nguồn vốn qua các thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu... để có nguồn vốn ổn định, lâu dài hơn.
Tôi nghĩ DN, người tiêu dùng mong muốn tiếp cận thêm nguồn vốn tín dụng của NH. Vấn đề là cơ chế chính sách có thông thoáng để dòng vốn chảy vào thị trường một cách suôn sẻ hay không. Sau 7 năm khủng hoảng (2007 – 2014), tôi cho rằng, thị trường BĐS thể hiện tính chuyên nghiệp hơn. Tất cả các chủ thể tham gia thị trường, từ Nhà nước, NH, DN, người tiêu dùng và kể cả nhà đầu tư thứ cấp đã thông minh hơn. Điều này tạo tâm thế mới cho thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới - ông Châu phân tích.
Nhận định về khả năng bong bóng BĐS quay trở lại thị trường, ông Nell MacGregor, Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam cho rằng hiện nay thị trường bất động sản đang ở mức đáy, tuy nhiên đang trên đà phục hồi, giá cả tương đối ổn định và hợp lý. Theo ông Nell MacGregor, trong 5 năm tới, giá sẽ không không bị “thổi” lên và thị trường sẽ không lặp lại tình trạng “bong bong” như năm 2008 và 2010. Đặc biệt từ ngày 1/7 tới đây, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, nhiều người nước ngoài đang háo hức, chuẩn bị tiền để mua nhà, nhất là các chuyên gia Singapore, quốc gia dẫn đầu dòng vốn FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia của Savills Việt Nam cho rằng, trong 5 năm tới, bất động sản Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh dựa vào sự tăng trưởng nền kinh tế vĩ mô, sự gia tăng tầng lớp trung lưu cũng như sự đa dạng về nguồn cung, cầu… Một số thị trường tiêu điểm phải kể đến như Thành phố Hồ Chí Minh với dự án đường sắt đô thị, Đà Nẵng - địa phương đang được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, thu hút lượng nhiều khách du lịch và Hải Phòng.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Thời báo Ngân hàng, TTXVN)